Thứ Ba, 26 tháng 1, 2010

NGƯỜI CHUYÊN CHỞ VĂN CHƯƠNG



NGƯỜI CHUYÊN CHỞ VĂN CHƯƠNG



Phạm Văn Học- ĐH Quy Nhơn



Người thầy dạy văn bước đi trên hai chân vững vàng đó là tâm hồn văn ( Tình) và kỹ năng nghề văn ( Tài) . Sự kết hợp nhuần nhuyễn giữa tài và tình sẽ cho học sinh những giờ văn để đời .
Người thầy “ đốt cháy” mình với cuộc đời ,với văn chương. Thầy không băn khoăn về vấn đề chọn đường bởi: Mỗi nghề có một lời ru – Dở dang thầy cũng chọn ru khúc này ( Đoàn Vị Thượng) Tâm hồn thầy tựa sợi tơ đàn chỉ khẽ gảy là đã rung lên những thanh âm. Thiếu đi tâm hồn ở người thầy dạy văn sẽ là sự khủng khiếp cho nghệ thuật : Dạy văn lấy cảm làm đầu – suốt đời tôi chỉ một câu dặn mình – Dạy văn dạy nghĩa dạy tình – Dạy văn mà cũng dạy mình dạy ta ( Lê Trí Viễn). Người thầy luôn chống xói mòn tâm hồn trước mưa gió cuộc đời . Mỗi dòng đời - một dòng sông,mấy ai là kẻ đứng trông bến bờ,muốn qua sông phải có đò, đường đời muôn bước phải nhờ người đưa...Thời gian như cơn lũ chảy xiết thầy làm anh lái đò chở nặng yêu thương, ngược nước không khỏi có lúc muốn buông tay chèo. Nhưng chính sợi chỉ xanh óng ánh nơi đáy mắt học trò đã níu con đò thầy ở lại. Viên phấn sẽ mòn cùng tháng năm nhưng tâm hồn thầy thì mãi trẻ trung cùng trang giáo án . Thầy trẻ mãi trong sắc mai hồng đáy mắt trẻ thơ : “ Chim hạnh phúc bởi trời cao rộng –Tôi gặp tôi trong mắt em cười ( Phan Thành Minh )
Người thầy mở rộng cánh cửa tâm hồn để đón nhận mọi âm thanh của đại tự nhiên rồi chuyển hóa nó thành bài giảng để : Sân trường nối với trời cao – Hàng cây mây trắng theo vào bảng đen ( Trần Quốc Toàn ) Thầy thao thức suốt đời cơn bão giật nghiêng đêm bên ngọn đèn đêm hay một miền phấn trắng bay bay, soi mình vào tâm hồn học trò để giữ lấy tâm cao cho dù có ở trong căn nhà thấp . Thầy như đốm lửa xanh lặng lẽ đốt cháy tấm thân gầy cho bừng sắc mai hồng thơ trẻ , lặng lẽ nhân đôi mình làm con chim hót lay động trái tim học trò. Để rồi sau mỗi mùa phượng nở một chuyến đò nữa lại sang sông , nhìn trời nước mênh mông mà bâng khuâng nhịp chèo lòng ông lái , thầy trở về tóc bạc trắng cả chiều mưa. Người thầy mà thiếu đi lòng trắc ẩn thì chỉ đúng nghĩa một nửa ông thầy. Chỉ có những gì từ trái tim mới đến được trái tim. Chỉ bằng tình thương ta mới động viên học trò đứng lên từ những gì còn khiếm khuyết .
Người thầy dạy văn là bài thơ đẹp ngay từ nhan đề.. Người thầy đã tạo cảm xúc, tâm thế , truyền cảm xúc và tình yêu cho học sinh. Nếu bản thân thầy không phải là ngọn lửa thì làm sao có thể truyền được ngọn lửa ấy. (Uyliam Bato Dit). Thầy làm kiếp tằm ủ kén cho học sinh sợi tơ xanh , người thắp lửa và giữ lửa , người bắc chiếc cầu vồng bảy sắc vào tâm hồn học trò. Thầy lấy mầm xanh học trò làm nhựa sống cho thân cành già cội : Những cặp mắt tròn xoe – Niềm tin yêu rạo rực – Những ánh mắt đợi chờ - Giục tôi lên phía trước ( Minh Láng )
Lời thầy giảng hòa cùng tiếng suối – Cho học trò lớp lớp vững như thông ( Nguyễn Bùi Vợi ). Thầy đọc văn để diễn hết tình , sáng hết hình, ngân hết nhạc. Đọc văn để đưa học trò đặt bước chân đầu tiên vào thế giới tác phẩm đánh thức trực cảm từ những con chữ câm lặng. Thầy tạo dư âm như tiếng tiếng thơ đỏ nắng xanh cây , như mái chèo khua vọng , như gọi về tiếng bà ấm êm , gọi về âm thanh thiên nhiên rào rào cơn mưa chuyển. Để rồi trên mỗi bước đường đời học trò lại nhớ về thầy mà như nghe lại giọng đọc thơ xưa vọng về từ tâm tưởng như cậu bé Khoa ngày nào. Giọng thầy đã gợi ra bao điều suy ngẫm dẫn dắt học sinh đi khắp nẻo đường đời .
Thầy giáo già , con hát trẻ ai ơi – thầy càng từng trải , bài giảng càng lắng đọng tình đời. Tác phẩm văn chương là kết tinh vốn sống nhà văn , thầy dẫn học sinh đi lại con đường nhà văn đã đi. Thầy như người làm ruộng lấy bút làm cày gieo vào lòng học sinh hạt giống tâm hồn tốt nhất mà nhận về trái ngọt.

Người thầy giúp học trò chuyển những tri thức văn chương vào cuộc sống, sống yêu đời yêu người hơn Thầy muốn hưởng hạnh phúc sáng tạo thì phải trả giá bởi : chỉ có sự nhẫn nại mới biến lá dâu thành lụa.

Hỡi những chiếc bảng đen đang nằm nhớ người bạn trẻ ,bụi phấn xa rồi...nhớ thầy ,cho tôi gửi chút hương!

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét