Thứ Ba, 29 tháng 3, 2011

Yến Lan ngủ mơ trên bến My Lăng


Yến Lan ngủ mơ trên bến My Lăng
Phạm Văn Học
Giống như những hình ảnh lá Diêu Bông, đền Bà Sấm, bến Cô Mưa trong thơ Hoàng Cầm, Linh Sơn của Cao Hành Kiện, bến My Lăng của Yến Lan cũng làm người ta tốn khá nhiều giấy mực. Bến My Lăng có thật trong đời thường hay chỉ là một biểu tượng thi ca?
Yến Lan (1916 - 1998) tên thật là Lâm Thanh Lang, quê tại làng An Ngãi, huyện An Nhơn, tỉnh Bình Định. Mồ côi mẹ năm 6 tuổi, Yến Lan sống bằng nghề dạy học tư và viết văn. Ông sáng tác thơ từ sớm và cùng với Hàn Mặc Tử, Chế Lan Viên, Quách Tấn hợp thành nhóm “Bàn thành tứ hữu” (bốn người bạn thơ đất Bình Định) nổi tiếng trên thi đàn lúc đó. Những năm ấy, văn đàn Thơ Mới rộ lên hình ảnh bến My Lăng trong thơ Yến Lan. Nhiều năm sau, người ta vẫn còn tìm đến Yến Lan để hỏi về bến My Lăng. Rồi họ bảo đó là cái bến nằm lọt trong phố thị An Nhơn. Lại có người khẳng định rằng đó là cái bến Trường Thi in dấu biết bao bàn chân sĩ tử lận đận…
Từ một bến sông có thật
Theo nhiều nguồn tài liệu, đó chính là bến đò Trường Thi trên sông Cửa Tiền. Nhiều lần, Yến Lan giải thích rằng nó bắt nguồn từ một bến đò thật, bến Trường Thi, cách thị trấn Bình Định nơi ông ở khoảng mấy dặm đường. Mỗi lần qua bến sông này, nhìn doi cát cong cong, ông lại mơ tưởng xa xăm: Bến My Lăng nằm không thuyền đợi khách/ Rượu hết rồi ông lái chẳng buông câu/ Trăng thì đầy rơi vàng trên mặt sách/ Ông lái buồn để gió lén mơn râu…Cửa Tiền nằm ở phía tây nam thành Bình Ðịnh. Gọi là Cửa Tiền bởi vì cửa chính của thành Bình Định nằm ở mặt này, và cảnh vật lại rất hoang vu như thời tiền sử. Con sông chảy trước mặt Cửa Tiền cũng mang luôn cái tên Cửa Tiền, có người gọi là sông Tân An một chi lưu của sông Côn đổ ra đầm Thị Nại. Bên kia sông là xã Nhơn Hòa, bên này là xã Nhơn Hưng, đều thuộc huyện An Nhơn, tỉnh Bình Ðịnh. Bến đò Trường Thi, nằm ở phía Cửa Tiền, đã nhiều lần đi vào văn học. Bến đò chỉ hình thành vào mùa nước nổi, từ tháng chín cho đến tháng chạp âm lịch. Sau đó, đò được dời đoạn sông sâu hơn, người lái đò cũng chuyển nghề khác chờ mùa nước lớn năm sau. Chính cậu ruột Yến Lan cũng là một người lái đò. Bên bờ có một đoạn đất trống thuở xưa là trường thi hương, cũng là nơi gặp gỡ của các chí sĩ yêu nước. Ðến thời Pháp, trường thi bị bỏ hoang. Vì bến đò nằm gần đó nên gọi là bến Trường Thi như một niềm hoài niệm. Quả thực, Trường Thi đẹp mà buồn đến nao lòng. Cha Yến Lan đã bao lần vượt qua bến sông, lần theo câu hát để đến với một thôn nữ dệt lụa, sau này chính là mẹ ông. Mối tơ duyên đầy thi vị ấy đã cho chúng ta một thi sĩ ngay từ thuở lọt lòng: Quê ngoại bên kia bãi cát vàng/ Mẹ tôi về lỡ chuyến đò ngang/ Cơn đau trở dạ không giường chiếu/ Tôi lọt lòng ra giữa bãi trăng. Yến Lan thổ lộ: “Khi tôi chừng 6-7 tuổi thì mẹ tôi đau nặng phải nằm chữa bệnh ở quê ngoại bên kia sông. Hằng ngày tôi phải mang thức ăn cho mẹ và phải gọi đò qua sông cho đến khi mẹ tôi mất. Từ đó tiếng gọi đò cứ vang vọng trong tâm thức tôi như một nỗi ám ảnh, như tiếng gõ cửa vào một thế giới khác. Người lái đò đưa tôi qua sông năm ấy lại chính là cậu ruột tôi. Trong bóng chiều nhập nhoạng, dáng ông phảng phất như một tráng sĩ khi chống sào qua bến vắng”. Người ta kể lại rằng, khi mẹ mất, chú bé Yến Lan đi cùng người láng giềng đưa tin về quê ngoại. Đến đoạn đường qua Gò Tập, nơi bị đồn đại rất nhiều ma đưa võng, Yến Lan sợ đến cuống chân. Người láng giềng cất tiếng gọi đò khắc khoải. Ông cậu của Yến Lan nằm ngủ trong thuyền, giật mình, hớt hải chống đò sang. Ấn tượng về tiếng gọi đò não ruột trong đêm trăng lạnh lẽo ấy đã ám ảnh Yến Lan suốt một đời. Sau này, Yến Lan kể lại: “Đêm mẹ tôi mất, cha tôi nhờ người hàng xóm dẫn tôi ra bến đò để gọi cậu tôi…Nhà cậu và chiếc đò thì gác mái bên kia sông, chúng tôi ở bên này gọi mãi, gọi mãi, gọi trong một tâm trạng xót xa bồn chồn, hãi hùng nữa.”
…Đến một bến sông huyền thoại
Các nhà địa chí dù có đi dọc sông Côn, hay bất kì một dòng sông trên đất nước này cũng không thể tìm ra một địa danh nào có tên My Lăng. Bến My Lăng là cái bến sông huyền ảo đầy vang bóng trên thi đàn mà người ta không thể quên mỗi khi nhắc đến Yến Lan. Chính thi sĩ đã sáng tạo ra một bến sông phi thời gian, phi không gian nó là bến đợi ai và ai đợi cũng không rõ nữa. "Những ai đã có một lần đứng đợi một chuyến đò ngang... và nhất là những ai có nỗi hy vọng lớn lao phải chờ đợi... Bến My Lăng ở trong lòng tôi và có thể ở trong lòng bạn". Có lần Yến Lan đã khẳng định như vậy. Nhà phê bình tài hoa Hoài Thanh cũng phải thú nhận:“Xem thơ Yến Lan tôi mơ màng như đi trong mây mù… chỉ thấy mờ mờ những con đường chảy, êm như những dòng sông…” Những năm cuối đời, Yến Lan vẫn còn thường nhắc đến bến My Lăng với đôi mắt ngấn lệ. Ông chỉ mong được đắm mình trong bến sông xưa: Thăm quê về lại bến trăng xưa/ Còn tưởng đêm nay đứng gọi đò/ Chưa kịp nhớ ra lòng có hẹn/ Chèo ai cập bến đã vang khua (Nhớ bến My Lăng). Ông thừa nhận rằng bài thơ Bến My Lăng của ông ra đời trong lúc xuất thần, mang ấn tượng tiếng gọi đò thuở bé: Tiếng gọi đò, gọi đò như oán trách/ Gọi đò thôi run rẩy cả ngàn trăng/ Bến My Lăng còn lạnh, bến My Lăng. Yến Lan tâm sự rằng: “Bến sông ấy có một doi cát vàng nằm xoải ra như cái chân mày hình lưỡi mác, cha tôi gọi là My Lăng. Cả ba sự việc trên: sự chờ đợi (đợi đò), hoài niệm về một thời đã qua (tráng sĩ) và dáng dấp cao sang của một vùng văn hóa (chân mày hình lưỡi mác) trộn lẫn trong tâm thức tôi và nó cứ lớn dần theo thời gian”. Cũng có khi Yến Lan nhập hồn vào ông lái đò ở bến sông u uẩn: Ông lão vẫn say trăng nằm gối sách/ Ðể thuyền hồn rời khỏi Bến My Lăng. Ông lái đò cũng là một nghệ sĩ đích thực biết đọc sách, rồi buông câu, uống rượu, có khi thổi sáo nhưng vẫn cô đơn trên cái bến sông đìu hiu mênh mông đến rợn ngợp. Trên bến sông ấy, xuất hiện ánh trăng ma quái, lúc ẩn lúc hiện với muôn hình vạn trạng. Ánh trăng bàng bạc, mênh mông, tràn ngập con thuyền, rơi vàng trên mặt sách, chiếc áo màu ngọc lưu ly của chàng kỵ mã nhúng đầy trăng, còn ông lão đưa đò thì say trăng, gối đầu lên trang sách ngủ say đến nỗi không nghe tiếng gọi đò của chàng kỵ mã. Theo các nhà phân tâm học, cái tên My Lăng mang đầy ẩn ức. Trong tiếng Hán “my” với “mê” cùng một âm, trong chữ Nôm “mê” với “my” là một, “Lăng” với “Lang” là một, My Lăng với Mê Lan thật không khác nhau là mấy. Thực tế thì thời trai trẻ Yến Lan say mê một cô gái tên Lan bên bến sông. Cô gái ấy sau này trở thành là vợ của nhà thơ. Có người giải thích rằng cái tên My Lăng gắn với kỷ niệm ấu thơ của Yến Lan. Đó là những đêm trăng Yến Lan cùng cha về thăm người cậu làm nghề lái đò. Cha và cậu của Yến Lan thường hay cắm sào ở giữa sông uống rượu và ngắm trăng. Nhìn doi cát ven sông cha ông thấy nó giống như bờ my mắt. Đó là cái tứ cho bài thơ bất hủ này. Bến sông là biểu tượng cho bến bờ hạnh phúc, con đò là phương tiện chuyên chở giấc mơ hoa của người lái đò, nhưng giấc mơ ấy đã không tới bến. Nhưng có thể nói rằng, trên bến sông huyền thoại, Yến Lan là một ông lái đò đã đưa văn chương của mình cập bến mà neo vào lòng độc giả sau này.
Như vậy, bến My Lăng vừa là không gian thực vừa là không gian tâm tưởng mang màu sắc huyền thoại: Chiều ngui ngút dài trôi về nẻo quạnh/ Để đêm buồn vây phủ bến My Lăng. Không có những bến sông quê Bình Định, chắc khó có cái bến sông trăng lạnh buốt mà diễm ảo trong thơ của một thi sĩ thuộc trường thơ Loạn. Trong một đêm trăng lạnh, Yến Lan- con kì lân của nhóm tứ linh đã ra đi cùng bạn hữu về với một bến sông vĩnh hằng. Nhưng cái bến My Lăng do ông sáng tạo ra thì còn mãi lung linh trong văn học.

1 nhận xét: