(Toquoc)- Vũ Xuân Hồng, sinh năm 1956 tại huyện Bình Giang, tỉnh Hải Dương. Hiện nay, anh là bác sĩ chuyên khoa cấp 1, Trưởng phòng khám Đa khoa khu vực Mạo Khê, Bệnh viện huyện Đông Triều, Quảng Ninh. Vũ Xuân Hồng là một người thầy thuốc yêu nghề nhưng khác với những bác sĩ khác anh cũng rất yêu thơ. Anh đã cho ra mắt bạn đọc được 5 tập thơ; đó là Những nẻo đường xuân (Nxb Hội Nhà văn, 2008), Xuân Yên Tử (Nxb Hội Nhà văn, 2010); Mối tình Hạ Long (Nxb Hội Nhà văn, 2011), Cõi thiêng (Nxb Hội Nhà văn, 2012), “Cây đa phố làng” (Nxb Hội nhà văn 2013). Cách đây chưa lâu, Vũ Xuân Hồng vinh dự được chọn làm nhân vật cho một chương trình văn nghệ của Đài Truyền hình Việt Nam.
Dù
rất bận bịu với công việc chuyên môn của một bác sĩ và công việc quản
lý nhưng hễ cứ có phút nào thảnh thơi là anh lại dành hết cho thơ. Dường
như thơ đã là một món nợ tinh thần mà anh suốt đời nặng mang. Có lần,
Vũ Xuân Hồng tâm sự: “- Giữa thơ
với công việc của người thầy thuốc có gì đó rất gần nhau, đó là tình yêu
con người. Người thầy thuốc không thể hành nghề với một trái tim vô
cảm; còn nhà thơ muốn có một bài thơ hay, trước hết tâm hồn anh ta phải
trào dâng cảm xúc, vui với niềm vui con người, buồn với nỗi buồn con
người…”. Đó có thể là sự chia sẻ với con trẻ những niềm vui thơ
ngây. Ở đó, Vũ Xuân Hồng thể hiện cái nhìn trìu mến của một người ông,
người cha. Nhưng tất cả đều được nhìn qua lăng kính trẻ thơ: Ngọn gió đông tinh nghịch/ Thổi bóng nước ao trời/ Bụi nước bay khắp nơi/ Trời làm mưa xuân đấy... hay: Giọt xuân bay giăng tơ/ Con đê làng đón mẹ/ Long lanh đôi mắt trẻ/ Mẹ gánh đầy mùa xuân. Ngay cả kỳ quan thiên nhiên Hạ Long cũng được nhà thơ miêu tả qua cái nhìn con trẻ: Động Thiên Cung lộng lẫy/ Giữa biển trời hoang sơ/ Một vương quốc bất ngờ/ Biển đầy Kim tự tháp... Hay có chỗ anh đã “cổ tích hóa” không gian Hạ Long: Cánh buồm nâu tuổi thơ/ Trôi giữa miền cổ tích/ Bầy khỉ đùa tinh nghịch/ Hải âu vui dẫn đường...
Có thể nói rằng, thơ Vũ Xuân Hồng bị ảnh hưởng bởi nghề nghiệp của anh. Anh cho rằng: “Những gì tốt đẹp vốn có trong quá trình “đô thị hoá” khiến tôi
thấy bức bối. Những cây đa, dòng sông, bến nước v.v.. vốn là nét đẹp của
làng quê xưa nay còn đâu. Thay vào đó là sự ô nhiễm, bụi bặm, là bệnh
tật do thuốc trừ sâu, chất kích thích v.v.. và v.v..” Và theo Vũ Xuân Hồng, trẻ em cần hiểu: …Muốn đàn chim ở lại/ Phải trồng nhiều cây xanh/ Giữ môi trường trong lành/ Không đốt rừng, săn bắt. Hay đó là nỗi đau trước sự tàn phá môi sinh: Những con gấu già nua/ Bị nhốt trong cũi sắt/ Đêm đêm bừng thức giấc/ Nhớ rừng khóc như trẻ con (Gấu nuôi). Càng bức bối với nhịp sống phồn tạp, Vũ Xuân Hồng càng khao khát tìm về những vẻ đẹp của ngày xưa: Cây
đa bến nước, sân đình/ Thiêng liêng hồn cốt quê mình trong tôi/ Nâu sồi
nón ná áo tơi/ Củ khoai hạt thóc nuôi tôi thành người/ Mưu sinh khắp
nẻo phương trời/ Mồ hôi mách bảo tôi người nhà quê/ Chân trần nhớ cỏ ven
đê/ Lời ru mẹ dẫn con về ngày xưa (Hồn xưa). Nói thơ Vũ Xuân Hồng mang âm hưởng dân gian cũng chính là ở chỗ này.
Ngoài mảng đề tài viết
về thiên nhiên, về đời sống công nghiệp phố thị, anh còn có mảng thơ
viết về Phật giáo. Mảng đề tài này thể hiện được chiều sâu trí tuệ trong
thơ Vũ Xuân Hồng. Thơ Vũ
Xuân Hồng đã đưa người đọc hành hương về Yên Tử với những cái địa danh
đã khá quen thuộc, như chùa Đồng, chùa Cầm Thực, chùa Yên Hoa, Yên Sơn,
Ngọa Vân, suối Tắm, suối Giải Oan v.v. Những cái tên gợi nhớ về Phật
hoàng Trần Nhân Tông, ông vua khai sáng Thiền phái Trúc Lâm Yên Tử,
người mà theo Xuân Hồng là đã để lại chữ Tâm cứu nhân độ thế: “Non
thiêng phong trúc tọa Thiền/ Lòng Ngài thấu hiểu nỗi niềm nhân gian/
Hóa Phật về cõi Niết bàn/ Chữ Tâm ở lại trần gian cứu đời” (Phật hoàng Trần Nhân Tông). Thiên nhiên dưới con mắt Vũ Xuân Hồng như một sinh thể đang cựa quậy: “Gió khuya khẽ gọi cửa chùa/ Hương thơm mách bảo cây vừa đơm hoa/ Sân chùa hò hẹn lá đa/ Chùm hoa đại trắng nõn nà tắm trăng” (Gió
khuya). Trong bài thơ được lấy làm tên cho cả tập “Cõi thiêng”, Vũ Xuân
Hồng đã nhận ra trong mỗi phiến đá, mỗi dáng trúc còn cưu mang một nỗi
đau nhân thế: “Chùa Đồng tọa lạc
trong mây/ Hồi chuông linh ứng mây bay về chầu/ Non thiêng tỏa phép
nhiệm màu/ Thân người hóa đá còn đau nỗi đời/ Trăng khuya tiếng hạc lưng
trời/ Bạt ngàn rừng trúc dáng người trần gian” (Cõi thiêng). Từ
đấy, ông nhắc nhở chính mình, rằng đời người thật thoáng chốc, chẳng là
gì so với cái vô thường miên viễn của tạo hóa: “Chung nhau một cõi vô thường/ Khác nhau dài ngắn đoạn đường trần gian”
(Đời người). Trong cõi tục lụy vô thường ấy, Xuân Hồng rất sợ đánh mất
bản ngã của chính mình. Đã hơn một lần ta thấy ông khắc khoải: “Ôi! Chuông đồng, khánh đá/ Niềm tự hào ông cha/ Trong dòng đời hối hả/ Ta chẳng tìm thấy ta” (Hồn xưa).
Làm nghề y, Vũ Xuân Hồng là một bác sĩ cần mẫn, chu đáo và từ tâm. Làm thơ, Vũ Xuân Hồng không làm duyên làm dáng. Đọng
lại trong lòng người đọc chính là bởi cái giản dị của ngôn từ; cái chân
thành của cảm xúc và cả cái vị thiền nhẹ nhàng phảng phất trong mỗi ý
thơ. Mỗi bài thơ trong tập thơ nhỏ nhắn này như thể một nhành trúc xinh
mà nhà thơ bắt gặp trên đường.
Phạm Học
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét