Thứ Hai, 15 tháng 4, 2013

Nhà văn Khuất Quang Thụy: “Văn học Quảng Ninh đang rất có triển vọng”

Nhà văn Khuất Quang Thụy: “Văn học Quảng Ninh đang rất có triển vọng”

Cập nhật lúc 08:50, Chủ Nhật, 14/04/2013 (GMT+7)
Là Uỷ viên BCH Hội Nhà văn Việt Nam, Phó Tổng biên tập Báo Văn nghệ, nhà văn Khuất Quang Thụy luôn bận rộn với công việc quản lý toà soạn. Thế nhưng sức viết của ông vẫn rất khoẻ, ông liên tục cho ra mắt bạn đọc những tiểu thuyết ấn tượng về đề tài chiến tranh như: “Trong cơn gió lốc”, “Lửa và thép”, “Những bức tường lửa”, “Đối chiến” v.v..

Mới đây nhân dịp ông về dự Ngày thơ Quảng Ninh lần thứ 26 tổ chức tại huyện đảo Cô Tô, tôi đã có may mắn được trò chuyện cùng ông...

- Thưa nhà văn Khuất Quang Thụy! Đây là lần thứ mấy ông đến với Cô Tô, cảm xúc của ông như thế nào?

+ Đây là lần đầu tiên tôi đến với Cô Tô. Và còn hạnh phúc hơn, may mắn hơn là tôi đến trong tâm thế của một nhà văn đi tham gia Ngày thơ Quảng Ninh. Trong cảm nhận của tôi, Cô Tô rất đẹp, trù phú. Tôi tin là Cô Tô sẽ có một tương lai xán lạn…

- Ông đánh giá thế nào về Ngày thơ Quảng Ninh lần thứ 26?

+ Rõ ràng như anh đã thấy rồi đấy, Ngày thơ Quảng Ninh lần này đã rất thành công bởi vì nhiều ý nghĩa, như đã nối dài và mở rộng không gian thi ca của Ngày thơ Việt Nam lần 11; tiếp tục chủ đề “Tuổi trẻ với Tổ quốc” mà cụ thể nhất là với biên cương. Và còn đặc biệt ý nghĩa hơn nữa khi được tổ chức ở đảo ngọc Cô Tô, nơi Bác Hồ đã từng đến thăm và cho đặt tượng của mình. Ngày thơ Quảng Ninh có bản sắc rất riêng. Vì thế nó đã quy tụ được một lực lượng đông đảo văn nghệ sĩ sáng tác VHNT trong tỉnh về với Cô Tô...

- Là một nhà văn, lại kiêm cả làm công tác quản lý văn học nghệ thuật, ông đánh giá thế nào về lực lượng sáng tác văn học của Quảng Ninh?   

+ Đội ngũ các nhà văn, nhà thơ Quảng Ninh rất mạnh trong đội hình sáng tác chung của Văn học Việt Nam. Ở đây có những tên tuổi rất lớn, như Nhà văn sáng tác cho công nhân Võ Huy Tâm; sau này là Nhà thơ Trần Nhuận Minh, Nhà văn Lý Biên Cương, Nhà văn Dương Hướng v.v.. Họ không chỉ là những nhà văn lớn của văn học Quảng Ninh mà còn là những nhà văn có tên tuổi trong văn học nước nhà. Lực lượng trẻ của Văn học Quảng Ninh cũng đang phát triển mạnh. Do đó, đội ngũ các nhà văn, nhà thơ Quảng Ninh rồi đây sẽ rất đa dạng. Về đề tài mà họ khai thác, bên cạnh những đề tài quen thuộc là người công nhân, còn những đề tài biên giới hải đảo, biên cương, quá trình xây dựng đô thị hoá của các đô thị ven biển, mở rộng kinh tế du lịch v.v.. Có thể nói chắc chắn rằng, Văn học Quảng Ninh sẽ rất có triển vọng. Tôi tin tưởng vào sự phát triển của các tác giả ấy, nhất là lực lượng trẻ…

- Thường xuyên đọc, biên tập bài của tác giả Quảng Ninh gửi đăng Báo Văn Nghệ, ông thấy các tác phẩm của họ thế nào?  

+ Rất nhiều tác giả Quảng Ninh, nhất là các tác giả thơ, đã đăng tác phẩm trên báo Văn Nghệ. Như anh biết rồi đấy, Báo Văn Nghệ là “cửa sổ chính” của nền Văn học Việt Nam đương đại. Báo Văn Nghệ có độc giả ngày càng rộng và có chọn lọc. Nó đòi hỏi nội dung tư tưởng cũng như chất lượng nghệ thuật rất cao. Tất cả các tác phẩm đã được đăng thì được đông đảo bạn đọc trong cả nước biết đến. Và nó cũng được mặc nhiên thừa nhận một phần nào đó về chất lượng nghệ thuật. Do vậy, chất lượng các tác phẩm của các tác giả Quảng Ninh đăng tải trên Báo Văn Nghệ đều thuộc loại khá, đáng đọc...

- Vậy theo ông, các tác giả Quảng Ninh hôm nay có thể tham gia diễn đàn này như thế nào?  

+ Có nhiều tác giả mong muốn được xuất hiện trên Báo Văn Nghệ. Đấy là một điều đáng được ghi nhận, trân trọng. Đây là diễn đàn luôn chào đón các tác giả ở Quảng Ninh. Và thực tế thì nhiều người đã xuất hiện trên báo Văn Nghệ đó thôi. Có tác giả thơ còn xuất hiện liên tục nữa. Ngoài tờ Văn Nghệ còn có tờ phụ trương Văn Nghệ Trẻ nữa. Nó ưu tiên những vấn đề về giới trẻ, về giáo dục. Nó chỉ khác với tờ Văn Nghệ ở đề tài và đối tượng thôi, chứ về chất lượng thì không hề phân biệt. Đây cũng là diễn đàn để các cây bút trẻ Quảng Ninh có cơ hội thử sức mình…

- Xin hỏi thêm ông một câu: Sau chuyến đi này, ông có dự định sáng tác gì về đề tài biển đảo, mà cụ thể hơn nữa là viết về Cô Tô?  

+ Tôi là nhà văn, thường viết tiểu thuyết. Vừa qua, tôi đã hoàn thành cuốn “Đối chiến”. Viết tiểu thuyết phải đầu tư nhiều thời gian và vốn sống hơn. Riêng đề tài biển đảo, có lẽ trong thời gian tới tôi sẽ đầu tư viết truyện ngắn, hoặc ký…

- Xin cảm ơn ông về cuộc trò chuyện này!
Phạm Học

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét