Nghệ sĩ nhiếp ảnh Cấn Đình Loan: “Với tôi, phong cảnh vùng cao là nguồn cảm hứng không bao giờ cạn...”
Báo Quảng Ninh Cập nhật lúc 05:10, Chủ Nhật, 17/03/2013 (GMT+7)
Cấn Đình Loan vốn là một nhà giáo gắn bó nhiều năm với vùng cao Quảng Ninh. Lúc còn dạy học, ngoài những giờ đứng lớp, anh thường tranh thủ cầm máy ghi lại những khoảnh khắc đẹp trong cuộc sống của đồng bào các dân tộc thiểu số. Từ đó mà thành đam mê...
Nghệ sĩ nhiếp ảnh Cấn Đình Loan |
Trò chuyện với tôi, anh bảo:
+ Thực ra tôi mê nhiếp ảnh từ nhỏ. Và rồi khi về sống và dạy học ở Tiên Yên, phong cảnh núi rừng, con người vùng cao ở đây khiến tôi rất ấn tượng, muốn ghi lại bằng hình ảnh. Tôi có nhiều những bức ảnh về vùng đất này. Ngoài ra, mỗi khi rảnh rỗi, tôi lại tranh thủ lên những bản làng biên giới, từ Bình Liêu cho đến Móng Cái, để chụp ảnh…
- Có người cho rằng muốn có một bức ảnh “có hồn”, trước hết người nghệ sỹ phải bị đối tượng mình sắp chụp “hút hồn” vào ống kính… Anh nghĩ sao về điều này?
+ Điều đó là chính xác! Tôi không biết những bức ảnh vùng cao của mình có tạo được ấn tượng gì nhiều không với người xem, nhưng chắc chắn nó đều bắt đầu từ cảm xúc tận đáy lòng. Tôi muốn ghi lại tất cả những gì có thể ở vùng cao xa xôi kia, để ca ngợi bản chất và cái đẹp giản dị, hồn nhiên của đồng bào các dân tộc suốt đời gắn bó với nương rẫy, núi rừng. Tôi thương những tiếng khóc của em bé sau cơn bão làm tốc mái nhà; gánh củi nặng đè lên vai bé gái trên con đường đất đỏ; bếp lửa vùi vài củ sắn non. Tôi yêu vẻ đẹp của hoa rừng; những nếp nhà ấm êm chênh vênh trên sườn non; ánh mắt trong sáng và điệu cười xinh của người sơn nữ, hay vẻ phúc hậu của cụ già hạnh phúc bên con cháu v.v.. Tôi thấy trong nhịp điệu lao động hăng say, mỗi buổi hoàng hôn hay mỗi sớm mai dường như đều có cái đẹp rất riêng. Có thể, đó là cái đẹp như hơi thở của núi, của rừng…
- Nhưng cứ chụp mãi về một đề tài vùng cao, liệu có làm cho các tác phẩm trở nên nhàm chán, đơn điệu?
+ Sao lại đơn điệu? Tôi dám chắc suốt cả đời này ta cũng không thể khám phá hết được những tiềm ẩn của con người cuộc sống và thiên nhiên hùng vĩ vùng cao. Càng đi, tôi càng đắm đuối vào nó. Từ khi cầm máy quyết định chọn cho mình sáng tác ảnh vùng cao, ngày nào tôi cũng vào bản. Có khi cả ngày, có khi chỉ mươi phút và mỗi lần như vậy tôi lại thấy có thêm nhiều nét mới đến ngỡ ngàng. Rừng thay lá, hoa thay mùa, suối và đá cuộn theo dòng chảy, những đỉnh núi chân mây, ruộng bậc thang, lễ hội cuộc sống lao động và nét đẹp hoang sơ của người con gái vùng cao v.v.. Nhiều lắm, làm sao chụp hết được…
- Có lần anh nói, chụp ảnh chỉ như một thú chơi, để tặng bạn bè và để lưu giữ hình ảnh quê hương. Thế nhưng, chẳng phải anh đang dùng thương hiệu NSNA để mưu sinh là gì. Điều này có mâu thuẫn không nhỉ?
+ Thực ra chẳng có gì là mâu thuẫn cả! Người nghệ sĩ cũng cần phải mưu sinh chứ. Và còn gì tốt hơn là hãy mưu sinh bằng chính cái nghề mà anh yêu thích. Tôi là một nghệ sĩ nhiếp ảnh nên mở hiệu ảnh Mai Loan để kiếm tiền chẳng phải là chính đáng sao? Nhưng nói thật, tôi cũng không phải là một người giỏi và ham hố kinh doanh lắm đâu. Khi có được khoản tiền vừa đủ cho cuộc sống là tôi tập trung đầu tư nhiều thời gian cho sự đam mê của mình. Và tôi còn nghĩ rằng, ảnh tôi tặng bạn bè cũng là để giới thiệu hình ảnh quê hương. Bằng cách đó tôi biết rằng bạn bè cũng rất yêu quê tôi. Trong tâm niệm, tôi muốn lưu giữ lại mãi cho sau này hình ảnh cuộc sống con người của quê hương hôm nay…
- Nhân kỷ niệm ngày truyền thống ngành nhiếp ảnh, anh có thể chia sẻ những tâm sự, trăn trở của mình về nhiếp ảnh hôm nay?
+ Trăn trở thì nhiều lắm. Chỉ sợ không làm hết được thôi. Cái tôi muốn làm nhất lúc này là ghi lại đầy đủ hình ảnh của quê hương, nhưng chỉ với riêng mình thì không thể kham nổi. Tôi muốn có thêm lực lượng sáng tác trẻ, nhiệt huyết và đam mê. Nhưng anh cũng biết rồi đấy, không dễ gì thoát ra được vòng xoáy của cuộc mưu sinh hàng ngày. Chỉ chơi ảnh nghệ thuật thôi mà sống được thì khó lắm. Nhiếp ảnh dịch vụ và nhiếp ảnh nghệ thuật khác nhau nhiều. Chơi ảnh nghệ thuật thật khó, không dễ gì ai cũng theo được…
- Xin cảm ơn anh đã dành thời gian trò chuyện…
PHẠM HỌC thực hiện
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét