Thứ Sáu, 5 tháng 4, 2013

Đối thoại văn chương của Trần Nhuận Minh

oạ đàm giới thiệu sách “Đối thoại văn chương” của Trần Nhuận Minh và Nguyễn Đức Tùng

Cuộc đối thoại văn chương đa chiều

Cập nhật lúc 05:55, Chủ Nhật, 10/03/2013 (GMT+7)
Chiều 1-3, tại Trung tâm Văn hoá Pháp (24 Tràng Tiền, Hà Nội), Nhà xuất bản Tri thức và Quỹ Văn hoá Phan Châu Trinh đã tổ chức buổi toạ đàm giới thiệu cuốn sách “Đối thoại văn chương” (Nhà xuất bản Tri thức, 2012) của hai tác giả Trần Nhuận Minh và Nguyễn Đức Tùng. Giáo sư Chu Hảo, Giám đốc NXB Tri thức và nhà phê bình văn học Phạm Xuân Nguyên, Chủ tịch Hội Nhà văn Hà Nội, đã điều hành chương trình. Có mặt tại cuộc toạ đàm có khá đông các nhà văn, nhà thơ như: Hữu Thỉnh, Nguyễn Quang Thiều, Vũ Quần Phương, Nguyễn Đức Mậu, Dương Tường, Nguyễn Trọng Tạo, Nguyễn Thụy Kha, Nguyễn Đặng Mừng, Lê Thiếu Nhơn, Châu Hồng Thuỷ, Ngọc Bái, Trần Đăng Khoa, Nam Giao (nhà văn định cư ở Canada) v.v.. và các nhà phê bình văn học như: Đỗ Lai Thuý, Lê Thành Nghị… Phóng viên của một số cơ quan thông tấn báo chí và nhiều bạn yêu thơ tại Hà Nội cũng đã đến tham dự. Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Văn Đọc đã gửi lẵng hoa chúc mừng.
Nhà thơ Hữu Thỉnh (bên trái) tặng hoa cho hai tác giả Trần Nhuận Minh (giữa) và Nguyễn Đức Tùng.
Nhà thơ Hữu Thỉnh (bên trái) tặng hoa cho hai tác giả Trần Nhuận Minh (giữa) và Nguyễn Đức Tùng.
Tại buổi toạ đàm này, giáo sư Chu Hảo phát biểu vài lời đề dẫn, gợi mở cho cuốn sách. Sau đó, hai tác giả đã giới thiệu vài nét về tác phẩm viết chung. “Đối thoại văn chương” là kết quả của nhiều tháng trò chuyện và trao đổi thư từ của hai tác giả trong suốt năm 2011 về những vấn đề khác nhau của thơ nói chung và thơ Việt Nam nói riêng. Cuốn sách gồm 265 câu hỏi đáp, được chia thành 9 chương; không quá câu nệ vào cấu trúc mà chủ yếu gợi mở hứng thú cho người đọc. Trong đó, nhà thơ Trần Nhuận Minh thể hiện những suy nghĩ, hồi ức trăn trở của mình xoay quanh văn chương, từ đó, hy vọng phác thảo con đường thơ Việt Nam hôm nay. Nhà thơ Trần Nhuận Minh cho biết: “Chúng tôi đã thực hiện tác phẩm bằng những suy nghĩ, dù ít nhiều có tính ngẫu hứng, đôi khi bất ngờ, nhưng đầy tinh thần trách nhiệm và nghiêm túc, công phu có sự từng trải và kinh nghiệm của người chịu học và luôn say mê với nghề”. Nhà thơ, nhà phê bình Nguyễn Đức Tùng (hiện sống ở Canada), ngoài việc nêu câu hỏi dẫn giải cũng đã luận bàn khá nhiều vấn đề nghệ thuật thi ca mà ông quan tâm. Thông qua cuốn sách này, hai tác giả mong muốn cuộc trò chuyện giữa hai người sẽ trở thành cuộc đối thoại đa chiều giữa độc giả và nhà thơ, cả trong nước lẫn hải ngoại.

Các nhà văn, nhà thơ, nhà báo và bạn yêu thơ đã trao đổi một cách thoải mái, cởi mở cùng với hai nhà thơ Trần Nhuận Minh và Nguyễn Đức Tùng. Nhà phê bình Phạm Xuân Nguyên cho rằng, đây là một cuốn sách lý thú, bổ ích được thể hiện bằng ngôn ngữ Việt, văn hoá Việt. Lý giải về cơ duyên hình thành cuốn sách, nhà thơ, nhà phê bình Nguyễn Đức Tùng cho biết, ông là người xa quê từ lâu, sống ở phía “ngoại vi” thơ Việt. Ông đã gặp một người sống ở “trung tâm” của đời sống văn học trong nước là Trần Nhuận Minh. Vì vậy, theo nhà thơ Nguyễn Đức Tùng, cuốn sách được hiểu như là một cuộc đối thoại giữa trung tâm và ngoại vi để mọi người hiểu hơn văn học văn hoá Việt; để tri ân quê hương Việt Nam, con người Việt Nam đã an ủi động viên ông và giúp bạn đọc hiểu hơn về cái cốt lõi thơ Trần Nhuận Minh. Ông đánh giá cao thơ thế sự và thơ thời sự của Trần Nhuận Minh. Bên cạnh đó, cũng theo ý kiến của Nguyễn Đức Tùng, thơ Trần Nhuận Minh còn đang vận động và chưa có ai nói được cái cốt lõi thơ Trần Nhuận Minh. Về điểm này, ông lưu tâm đến quá trình tiếp nhận tác phẩm văn học, trong đó đặc biệt nhấn mạnh đến vai trò của nhà phê bình và coi đây là khâu còn yếu trong việc tiếp nhận thơ Trần Nhuận Minh. Không tán đồng với quan điểm của Nguyễn Đức Tùng, nhà thơ, nhà phê bình văn học Vũ Quần Phương lưu tâm đến giá trị tự thân của thơ, đời sống riêng của tác phẩm. Tuy nhiên, ông cũng đánh giá cao cuốn sách trong việc hợp tác giữa một tác giả trong nước và một tác giả nước ngoài, nhất là những vấn đề văn học lần đầu tiên được đưa ra bàn luận. Theo ông, cuốn sách cũng đã mở ra một hướng đi mới trong công tác nghiên cứu văn học.

Cùng chung cảm nhận với nhà thơ Vũ Quần Phương, nhà thơ Châu Hồng Thuỷ, Chủ tịch Hội VHNT Việt Nam tại Nga, Tổng biên tập Tạp chí “Người bạn đường”, đánh giá cao sự phối hợp, cộng hưởng giữa người dẫn chuyện Nguyễn Đức Tùng và nhân vật trung tâm Trần Nhuận Minh. Theo ông Châu Hồng Thuỷ, toàn bộ tập sách là cuộc trò chuyện cởi mở, lời lẽ lại vô cùng giản dị. Chương nào, trang nào cũng sinh động, hấp dẫn, dí dỏm. Trần Nhuận Minh nói nhiều, nhưng không tẻ nhạt, không nhàm chán. Nguyễn Đức Tùng đóng vai trò người phỏng vấn, người dẫn chuyện, nói ít, nhưng vẫn cho ta thấy đó một người hiểu biết sâu sắc về nhiều mặt, biết khơi gợi, dẫn dắt để cho người đối thoại có dịp bộc lộ sự hiểu biết, quan điểm, kinh nghiệm và vốn sống của mình… Cuốn sách còn như một cuộc đối thoại của nhà thơ Trần Nhuận Minh với Nguyễn Đức Tùng, với bạn đọc và với giới phê bình về những giá trị của văn học quá khứ. Cũng nhấn mạnh đến tính đối thoại của cuốn sách, nhà văn Nguyễn Quang Thiều cho rằng, nó đã khai mở nhiều vấn đề của văn học Việt Nam cả trong nước lẫn hải ngoại. Nó là cuộc đối thoại giữa hai nhà thơ ở hai miền quê khác nhau, lứa tuổi khác nhau, môi trường sống khác nhau, hệ mỹ cảm khác nhau v.v. để cùng đi tìm một giá trị đích thực của văn chương. Tính đối thoại ấy hợp với nhu cầu của thời đại, thời đại cần mọi sự đối thoại. Cũng theo nhà thơ Nguyễn Quang Thiều, đây là một quyển sách được làm bởi tâm huyết của hai nhà thơ; rất cần được đọc một cách trân trọng...

Được biết, Trần Nhuận Minh cũng là nhà thơ đầu tiên của Quảng Ninh được tổ chức giới thiệu tác phẩm một cách trân trọng theo phong cách hiện đại kiểu Pháp. Buổi toạ đàm đã xới lên một không khí trao đổi học thuật về văn học Việt Nam, thơ Việt Nam và thơ Trần Nhuận Minh. Do đó, cuốn sách của hai tác giả cũng đã tạo dựng được những giá trị văn học nhất định, nói như Nguyên Ngọc thì “Đối thoại văn chương là cuốn sách tốt chắc chắn sẽ có tác dụng tích cực trong đời sống văn học nghệ thuật Việt Nam… Nó là một  trong những cánh cửa đáng tin cậy dẫn đến một thế giới khá bí ẩn mà cũng khó lý giải - thế giới thơ ca”.
Phạm Học

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét