Thứ Sáu, 5 tháng 4, 2013

Phan Hoàng canh cánh niềm cố hương

Phan Hoàng canh cánh niềm cố hương
22.3.2013-21:45
Phan Hoàng và Hoàng Đình Quang ở Trường Sa


NHÀ THƠ PHAN HOÀNG
Canh cánh nỗi niềm cố hương

TÂM ANH

NVTPHCM- Tập thơ Chất vấn thói quen của nhà thơ Phan Hoàng vừa trở thành tác phẩm duy nhất được trao Giải thưởng Hội Nhà văn TP.HCM năm 2012, đồng thời được trao Bằng khen Giải thưởng Hội Nhà văn Việt Nam năm 2012. Phần thưởng này thật xứng đáng cho thi sĩ quê Phú Yên sau mười năm nỗ lực không ngừng trên con đường sáng tạo thi ca của anh.

Chỉ trong vòng 3 năm qua, người gốc Phú Yên đã giành 2 giải thưởng văn học quan trọng nhất của Hội Nhà văn TP.HCM. Năm 2010, hoạ sĩ - nhà văn Trần Luân Tín với tập truyện ký Được sống và kể lại đã đoạt giải thưởng duy nhất, còn năm 2012 này tới lượt tập thơ Chất vấn thói quen của nhà thơ Phan Hoàng cũng được trao giải thưởng duy nhất (năm 2011, không có tác phẩm nào nhận giải thưởng Hội Nhà văn TP.HCM, mà chỉ có tặng thưởng). Đó là điều đáng tự hào với người Phú Yên, vùng đất chưa phải có bề dày truyền thống văn học như nhiều nơi khác, kể cả miền Trung.
Đối với riêng nhà thơ Phan Hoàng, Chất vấn thói quen là tập thơ thứ ba của anh sau hai tập Tượng tình (1995) và Hộp đen báo bão (2002). Nghĩa là kết quả chọn lọc của 10 năm làm thơ, hay nói như nhà văn Trần Nhã Thuỵ là 10 năm “ẩn dật thơ” của Phan Hoàng. Trong tập thơ này, anh dành nhiều trang viết về quê hương mà nổi bật là hình ảnh người mẹ hiền xúc động. Đây là cảnh mẹ gánh con đi tản cư vì chiến tranh trong bài Mẹ gánh ước mơ:
“Bàn chân trần rễ tre toé máu
thúng gióng gió đánh hụt hơi
mẹ đặt con ngồi dưới hố bom khét bầm thân đất
ngoái cổ ngóng về đồng làng tan hoang mồ mả ông bà

Gỡ nón quạt mùi bom
bóng mẹ che tầm đạn
âu yếm con mẹ khóc
bập bẹ mẹ con cười
nụ cười con thơ
                      mạnh hơn
                                     tiếng gầm đại bác
nụ cười gieo vào lòng mẹ hạt giống hy vọng
đồng làng bình yên gặt những mùa sau…”
Khi nhà thơ Nguyễn Quang Thiều báo tin mẹ của ông mất ở Sông Đáy, nhà thơ Phan Hoàng thảng thốt nghĩ đến mẹ mình:
“Sông Đáy trong mơ vẫn dâng ngang trời
mẹ như cánh chim đêm
mãi mãi hoá thân vào châu thổ

Ngày lót lá
bạn níu lòng sông Đáy
tôi bàng hoàng lội ngược gió sông Ba”
                  (Níu lòng sông Đáy)
Nơi chôn nhau cắt rốn vẫn luôn canh cánh trong lòng nhà thơ:
“Chiều ăn phố sực mùi khoai lang nướng
Gió hú nhớ đồng thơm dậy giấc cố hương”
                                (Ly hương gió)
Vừa cùng Phan Hoàng đi thực tế sáng tác ở nông trường cao su Đồng Nai mà anh là trưởng đoàn, trở về bỗng nghe tin vui và ngồi với nhau trong quán cà phê giữa lòng Sài Gòn ầm ào xe cộ, anh cho tôi biết khi tập thơ Chất vấn thói quen vượt qua 22 tác phẩm khác để được vinh danh:
- Thú thực tôi không dự tính tham dự Giải thưởng Hội Nhà văn TP.HCM, nhưng giờ chót nhiều bạn thơ gọi điện khuyên tôi nên góp mặt, sau đó nhà thơ Phùng Hiệu với tư cách hội viên đã trực tiếp đề cử và mang tập thơ Chất vấn thói quen đến gửi ban tổ chức. Tôi thực sự biết ơn các đồng nghiệp đã quan tâm tới việc sáng tác của mình. Giải thưởng Hội Nhà văn Việt Nam cũng vậy, tập thơ được các đồng nghiệp ở Hà Nội đề cử và vượt qua hơn 100 tác phẩm khác để vào chung khảo.
* Thưa anh, nghe tin tập thơ Chất vấn thói quen trở thành tác phẩm duy nhất được trao Giải thưởng Hội Nhà văn TP.HCM năm 2012, chắc anh có cảm xúc đặc biệt?
- Mọi giải thưởng luôn là sự khích lệ cho người cầm bút. Tôi cảm thấy sự sáng tạo của mình được ghi nhận. Đó cũng là thành quả lao động nghệ thuật thi ca với tinh thần đổi mới thi pháp trong 10 năm qua của tôi. Gia đình tôi vừa mừng sinh nhật mẹ tôi 80 tuổi, nên giải thưởng này còn là món quà ý nghĩa kính tặng đấng sinh thành, khi bài đầu tiên trong tập thơ là Mẹ gánh ước mơ, tôi viết về mẹ, người phụ nữ chịu nhiều đau thương mất mát vì chiến tranh. Quê hương Phú Yên cũng là nguồn cảm hứng lan toả suốt tập thơ này.
* Ít có tập thơ nào gần đây như Chất vấn thói quen khi vừa ra đời đã được đón nhận với nhiều bài phê bình, giới thiệu và được nhiều người tìm đọc. Điều đó chứng tỏ thơ ca không phải hoàn toàn bị người đọc lãng quên. Có bao giờ anh thử hình dung cuộc sống này không còn thơ?
- Đã có nhiều định nghĩa cao quý dành cho thơ. Đối với tôi, thi ca đích thực đồng nghĩa với cái đẹp. Thơ ca có mặt trong lời ru, cánh diều thuở ta còn bé. Thơ ca ẩn hiện trong ánh mắt, làn môi, mái tóc của cô gái hay chàng trai thuở ta biết những rung động tình ái đầu đời. Thơ cũng là nước da sạm nắng, tấm lưng còng của ông bà, cha mẹ hoặc cánh đồng, con đường làng mà khi đi xa ta thường hướng về. Vì vậy, tôi không bao giờ nghĩ thơ ca có thể mất đi, mà nó chỉ ẩn hiện trong cuộc sống này. Những người tinh tế sẽ phát hiện được vẻ đẹp của thơ ca, đơn giản như những hạt sương long lanh trên cành hoa buổi sớm, hay áng mây trôi qua trên đầu ta buổi chiều… Tóm lại, thơ cũng như cái đẹp không bao giờ bị lãng quên, mà điều quan trọng là chúng ta có biết phát hiện, sáng tạo và thưởng thức nó để cuộc sống thêm thi vị.
* Tuy nhiên, có ý kiến cho rằng thơ ca là phù phiếm, nhuận bút chẳng là bao, không nuôi sống được người làm thơ. Chẳng những vậy thơ còn làm cho nhiều người điêu đứng vì nhiều lý do khác nhau. Anh nghĩ sao?
- Đúng là thơ không trực tiếp sản xuất ra lúa gạo hoặc xe máy, ô tô. Nhưng thơ giúp cho người nông dân hay công nhân nuôi dưỡng ước mơ cao đẹp của mình. Một khi con người có ước mơ, có hoài bão thì hy vọng có thể làm được rất nhiều việc tốt đẹp cho gia đình, cho xã hội, cho đất nước. Không kể những “tai nạn” ngoài thơ mà thơ là phương tiện để hãm hại nhau, những nhà thơ đích thực biết mình là ai, năng lực mình đến đâu, vị trí mình ở đâu. Có một số trường hợp người làm thơ bị lao đao, điêu đứng có thể họ bị căn bệnh hư danh hoặc chạy theo những điều phù phiếm. Tôi không chấp nhận những người cho rằng uống rượu mới làm được thơ, hay yêu người đẹp mới ra thơ… Nó chẳng khác nào một vận động viên thể thao cần đến doping.
Đoàn nhà văn TP.HCM về thăm mẹ già của Phan Hoàng ở Phú Yên

* Mới đi Trường Sa về, anh lại “hành quân” lên các tỉnh biên giới phía Bắc, rồi về quê Phú Yên và duyên hải miền Trung, đi nông trường cao su miền Đông Nam Bộ,… Nhiều người ngạc nhiên lấy năng lượng đâu mà nhà thơ - nhà báo Phan Hoàng di chuyển nhiều như vậy, và mỗi chuyến đi có mang lại cho anh nhiều cảm hứng?
- Năm Nhâm Thìn - 2012 đúng là tôi đi nhiều hơn mọi năm. Tôi nghĩ khi có cơ hội khám phá vẻ đẹp của đất nước mình, giao lưu gặp gỡ bạn bè đồng nghiệp, thì không nên bỏ qua. Nó luôn mang lại nhiều trải nghiệm bổ ích. Nhờ những chuyến đi ấy, đặc biệt là hành trình đầy ấn tượng ở Trường Sa, đã giúp tôi sắp hoàn thành tập thơ mới Bước gió truyền kỳ sắp tới sẽ xuất bản.
* Đi nhiều, anh thường nói gì với bạn văn về quê hương mình?
- Có những đồng nghiệp đi nước ngoài nhiều, nhưng lại hỏi tôi rằng Phú Yên có gì lạ. Tôi nói quê tôi có nhiều cái “nhất” và cái “độc” như Đá Bia, gành Đá Đĩa, Mũi Điện, hòn núi thi ca Nhạn Tháp, đồng lúa Tuy Hoà,… bạn hãy đến sẽ biết. Và một số bạn bè đã khám phá Phú Yên qua những lời giới thiệu của tôi.
* Nghe nói anh hay về quê làm từ thiện và có kế hoạch “qui cố hương” sau này?
- Quê hương là nỗi niềm trăn trở của tôi. Trong lời đề từ tập thơ đầu tay Tượng tình năm 1995, tôi viết:
Tình cha Đá Bia nắng mưa kiêu hãnh
Nghĩa mẹ sông Ba sớm chiều canh cánh
Hồn thơ cuồng sóng Biển Đông
Đến nay tôi đã tròn 30 năm rời căn nhà tuổi thơ để đi học khắp nơi, rồi làm việc trải qua nhiều nghề khác nhau để mưu sinh. Tôi mong mình có thời gian để về sống bên mẹ già nhiều hơn, có điều kiện giúp bà con quê hương còn nghèo khó, phục dựng ngôi chùa cổ Long Tường khang trang để hương khói tổ tiên, ông bà…
***

Có thể nói năm Nhâm Thìn - 2012 vừa qua, nhà thơ Phan Hoàng gặt hái nhiều thành công. Đầu năm, sau khi được mời tham dự Liên hoan Thơ quốc tế châu Á- Thái Bình Dương trở về, anh lại ra Hà Nội nhận Giải 3 cuộc thi “Đây biển Việt Nam” do Hội Nhà văn Việt Nam, Hội Nhạc sĩ Việt Nam và báo VietNamNet tổ chức, một giải thưởng “bề thế” trong tình hình biển đảo đang “nóng”. Cuối năm, anh lại nhận cúp đúp giải thưởng cho tập thơ Chất vấn thói quen vốn được dư luận văn học chú ý trong năm qua. Một năm “đại hỉ” với anh. Đó là một niềm vinh dự, mà cũng là một trách nhiệm để thi sĩ quê Phú Yên có những bước đột phá sáng tạo mới trên con đường văn học lắm gian truân thử thách.
THEO VNPY XUÂN QUÝ TỴ 2013

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét