1. Cho tuổi vầng trăng non
Câu lạc bộ Văn nghệ Trẻ Trường
Đại học Quy Nhơn tổ chức “hội thảo bàn tròn” kỷ niệm 150 năm ngày sinh
và 70 năm ngày mất của thiên tài toàn năng R.Tagore (1861 – 1941), tình
cờ trùng vào ngày Quốc tế thiếu nhi 1.6. Ngẫu nhiên tình cờ như trăng
đến trăng đi Trăng bao nhiêu tuổi trăng già…
Tagore là “nhà thơ của trí tuệ muôn màu”
với Tư tưởng Thái Nhất(the Supreme One), là thực thể có cá
tính(personality) sáng tạo(create) ra thế giới và con người để tự thể
hiện bản sắc độc đáo của mình(self- realization). Tagore là nhà thơ tình
nổi tiếng thế giới, là Heine của Ấn Độ. Một tình yêu thiết tha con
người giữa Thực và Mộng trong cõi trăm năm hữu hạn Tim tôi nhịp sóng ven bờ trần gian…
mãi chảy một dòng thanh nhạc diễm tình. Tagore còn là nhà thơ của tuổi
măng non như một V.Hugo của Ấn Độ. Trong bản chất vô cầu của thi ca vang
lên từ Santiniketan(Xứ sở Bình yên) như tiếng hót chim non hồn nhiên đưa ta vào sâu tận đáy lòng vạn vật và vươn tới chín tầng thanh không Trong
tiếng lá non tơ rung rinh xao xuyến – Nghe không trung dâng vũ điệu vô
hình – Những giọt nắng lung linh màu sắc – Nghe âm vang nhịp thở trời
xanh.
Người Việt Nam yêu thích cả 3 nội dung
chính trong sáng tạo thơ ca Tagore. Thơ triết luận với niềm tin Tôn giáo
thuộc về Con Người – Thơ tình yêu với những bản tình ca giàu cung bậc
của hai giọng điệu hài hòa: trữ tình của tình nhân và triết lý của thi
nhân( bài thơ tình số 28 SGK lớp 11 PTTH) – Thơ cho thế giới trẻ thơ hồn
nhiên trong sáng đẹp như vầng Trăng non (Mây và sóng – SGK lớp 9 PTCS)
Tagore viết cho trẻ em trên
cương vị người thầy, người cha, người anh, người bạn… trong hoàn cảnh
hết sức đau buồn, người vợ và hai con ông lần lượt qua đời. Tập thơ Sisu( Trẻ thơ,
1909) gồm 40 bài không còn là câu chữ mà là máu thịt tình thương. Đó là
một thế giới thơ ngây được kể bằng giọng trẻ thơ mà ngân vang bao điều
về vũ trụ, nhân sinh, tình mẹ con muôn đời… dệt nên bởi những hình tượng
tuyệt vời và tấm lòng nhân hậu bao la.
Khi tập thơ được Tagore chuyển dịch sang tiếng Anh, The Crescent Moon(Trăng non – 1915), tờ The Nation nhận xét tập thơ là cả “một trí tưởng tượng về tuổi thơ”, tờ The Golbe nhận thấy “một sự khám phá sâu sắc và tinh tế, huyền ảo hơn trong Thơ Dâng“. Thơ cho tuổi thơ trong bản chất đích thực là thơ với triết lý vô cầu, đẹp như vành Trăng non trinh nguyên. Hãy
đến bên bờ trái đất, đưa tay lên trời, con sẽ được nhấc bổng lên mây…
Hãy đến rìa biển cả, nhắm nghiền mắt lại, con sẽ được làn sóng nâng đi…
2. Buổi sơ khai… bé đến…
Vũ trụ với mặt trời, mặt trăng, vì sao và
muôn vàn hành tinh khơi gợi trí tò mò của trẻ. Người lớn với định kiến
khôn ngoan, tư duy logic xơ cứng về một thế giới bên ngoài thật và hiển
nhiên, không thể tin trẻ em “dám” nhận thức khác mình. Trẻ, nhìn nhận
thực tế một cách vừa cụ thể vừa trừu tượng và sử dụng tư duy hỗn hợp để
hỏi và tự trả lời mà dựng lên thế giới riêng mình. Mẹ ơi có phải – mùa đông lạnh quá – mùa xuân trốn chạy…
Con người từ đâu ra và con người trọn một
vòng đời đi về đâu… những câu hỏi đau đáu triết lý nhân sinh. Trẻ trong
đời người là giai đoạn Khai sáng của hành trình nhân loại qua lăng kính
tưởng tượng. Trẻ hay hỏi, và câu hỏi trẻ ngộ nghĩnh hồn nhiên Mẹ ơi con từ đâu đến vậy? – Mẹ đã nhặt con ở tận nơi nào? V.Hugo ngày trước trong Nghệ thuật làm ông từng ngạc nhiên khám phá ra vị trí của trẻ trong vũ trụ: Bé chính là bình minh và hồn ta là cánh đồng bát ngát – Cánh đồng đã ướp hương những loài hoa dịu mát vào trong hơi thở của em( Khi em bé hiện ra). Có
nhiều lý do để trẻ em trở thành tặng vật có ý nghĩa nhất trên thế gian
này. Giản dị thay, đối với Tagore, chỉ vì trẻ đến từ Tình yêu. Một tình
yêu vô cầu bất tận, bắt nguồn từ tạo hóa – cuộc sống – trái tim Mẹ. 20
câu thơ trong Buổi sơ khai tạo nên một chuỗi so sánh độc đáo gợi hình, biểu cảm và giàu liên tưởng. Con là ánh bình minh, là mùi hương phảng phất, là ước mơ – kho tàng đặt vào đôi tay mẹ Khi,
trong thời con gái, trái tim mẹ nở xòe như một đóa hoa – Con đã lượn
quanh nó như một mùi hương phảng phất – Vẻ tươi mát nhẹ nhàng của con –
nở trên chân tay non trẻ của mẹ – như một ánh hồng – trên trời cao –
trước buổi bình minh. Thánh thiện mà gần gũi chân thật, như thiên thần mà rất đỗi bình dị đáng yêu, bé đến từ xứ sở thần tiên như một kẻ ăn mày để có thể xin Cả kho báu tình thương của mẹ( Cung cách của bé).
Thích được hỏi ý kiến và thích giải đáp.
Đó không phải là logic đúng sai. Yêu thương thì có hiểu biết. Thơ Tagore
thường sử dụng hình thức đối thoại hỏi – đáp nhưng thực chất là độc
thoại nội tâm. Điều bí ẩn và huyền diệu nhất của cuộc đời: Con từ đâu đến… cứ thế tuôn tràn bộc lộ bản chất trẻ thơ, tình yêu thương. Thiên đường sinh ra ở trong con – Trong cánh tay của bà mẹ đất bụi này…
Trẻ đến từ tình yêu, vì tình yêu, nên trẻ chính là “thánh nhân” để cứu
vớt cuộc sống này – một cuộc sống đầy tranh giành, hoài nghi và tuyệt
vọng( Em bé thiên thần).
3. Loại hàng hóa kỳ diệu
Ai chẳng một lần chơi trò thơ dại, gấp
chiếc thuyền… rãnh nước trước sân nhà. Ôi rãnh nước hóa biển rộng sông
dài. Hình ảnh thuyền giấy là biểu tượng cho khát vọng lên đàng, phiêu du
những chân trời cao rộng, chứa đầy ắp những ước mơ thơ trẻ về một thế
giới hòa bình, hòa hợp Trên thuyền, tôi chở những nụ hoa Siuli hái ở vườn nhà và mong rằng những nụ hoa nở buổi bình minh sẽ yên ổn cập bờ lúc đang đêm. Vòng tay nối kết ấy thật giản dị mà diệu kỳ ấm áp Những dòng sông nối với đôi tay – liền với biển khơi (Trịnh Công Sơn). Và cứ thế, ra đi trên con thuyền mang tầm vóc vũ trụ Tôi thả thuyền giấy rồi nhìn lên trời thấy những áng mây nhỏ đang căng buồm trắng. Ấy là mắt nhìn minh triết – anh nhi Con sông là thuyền – Mây xa là buồm( Trịnh Công Sơn). Bốn mùa thay lá…
Chèo dòng nước ngược con sông hoài niệm, đi về đâu… thuyền giấy tuổi
thơ… Có những con thuyền chẳng bao giờ ra tới bể – đời. Vì rằng, người
ta chở gì trên những con – thuyền – ước – mơ kia.
Cậu bé trong bài thơ Thuyền giấy cho
thuyền chở đầy hàng hóa. Nhưng loại hàng hóa này thật đặc biệt, thật kỳ
diệu. Người ta chỉ có thể bắt gặp ở thế giới trẻ thơ trong trẻo, đầy ắp
tưởng tượng: Chiếc rổ đựng đầy những giấc mơ.
Trong thế giới người lớn, hàng hóa gắn với vật chất, trao đổi, bán mua và dĩ nhiên có lãi lời toan tính. Và qua mắt Trăng non, thấy thật buồn cười đến tội nghiệp… ngồi đếm mãi những đồng xu, mò ngọc trai, thu nhặt những thoi bạc nén vàng...
Cậu bé cũng làm thủy thủ , nhưng sẽ lái con thuyền vượt bảy biển mười
ba sông đến xứ sở thần tiên. Còn hàng hóa ư? Cậu bé tâm sự với mẹ: Mẹ
ơi, mẹ có muốn hết đụn vàng này đến đụn vàng khác? – Kìa bên bờ suối
vàng óng ánh, cánh đồng đầy lúa chín vàng – Và trong rừng, trên lối mòn
râm mát, hoa chămpa vàng rụng rơi khắp mặt đất – Con sẽ lượm tất cả vào
đầy trăm giỏ cho mẹ.
Trong thế giới của những Trăng non,
đầy ắp những loại hàng hóa diệu kỳ ấy. Chiếc vỏ sò, nhánh củi gãy, dăm
chiếc lá… đầy ắp cái đẹp thuần khiết, vô tư của nhân loại. Không phải là
những thứ hàng hóa mà người lớn chúng ta chở nặng – mà cũng thật khốn
khó, thảm hại, đáng thương.
Trẻ thơ qua Thuyền giấy rất đỗi hồn nhiên, nhiều mơ ước, khát khao hướng vòm trời, đi tới mọi miền đất lạ với tình bạn và lòng yêu thương. Tôi
viết to và đậm tên tôi và tên làng tôi trên mạn thuyền – Tôi hi vọng có
người ở nơi nào xa lạ bắt được thuyền và biết rõ tôi là ai. Tưởng tượng phong phú kỳ diệu của trái tim thơ trẻ là yếu tố tạo nên chất thơ, sắc điệu thẩm mĩ của bài thơ Thuyền giấy. Và cứ thế, đưa Thuyền giấy
ra khơi. Trong con thuyền đó, những giấc mơ nào chất đầy chiếc giỏ của
cậu bé? Những hình ảnh tươi xinh, non tơ, hấp dẫn, thấm đẫm chất thơ:
Những đóa Siuli mang hương sắc quê nhà, những áng mây nhỏ đang căng buồm
trắng, dòng trôi miên man ánh sao khuya, những lẵng mộng đầy của nàng
tiên giấc ngủ…
Dòng sông đời rộng lớn mênh mông, nào ai biết được Thuyền giấy
sẽ đi về đâu. Đời sóng gió, có bao thuyền ra tới bể… Thuyền chìm về
tham vọng, thuyền lật bởi phù phiếm… Những lá thuyền ước mơ, mi chở gì?
Con thuyền ấy đến Từ đâu? Đến từ Nụ cười khẽ rung rinh đôi môi bé ngủ… có tia trăng non vây viền quanh… Con thuyền ấy được dựng lên bằng gì? Con sẽ là mây…mây nhỏ căng buồm… mẹ sẽ là trăng… con thuyền lướt sóng mang theo hàng hóa là cái rổ đựng đầy những giấc mơ Bên trời xanh mãi – những nụ mầm mới – Để lại trong cõi thiên thu – Hình dáng nụ cười (Trịnh Công Sơn). Và dĩ nhiên, con thuyền ấy được lái bằng Cung cách của bé: Trên mảnh đất của vầng trăng non bé bỏng – Bé tự do không hề bị ràng buộc chút nào…
Lê Từ Hiển
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét