Chủ Nhật, 5 tháng 5, 2013

Phỏng vấn NSND Quang Thọ


“Được biểu diễn ở Carnaval Hạ Long vừa là vinh dự, vừa là trách nhiệm của tôi với quê hương...”

Báo Quảng Ninh Cập nhật lúc 05:52, Chủ Nhật, 05/05/2013 (GMT+7)
(NSND Quang Thọ trò chuyện với PV Báo Quảng Ninh)

Từ 7 năm nay, Carnaval Hạ Long đã trở thành một dịp để những người con Quảng Ninh, dù là ở ngay trên mảnh đất quê nhà hay đang sống tại phương xa, thể hiện tình cảm của mình với quê hương. Đặc biệt, với những ca sĩ trưởng thành từ đất mỏ, được hát trong Carnaval Hạ Long là niềm vui của họ. Với Carnaval Hạ Long năm nay cũng không là ngoại lệ khi có tới 9 ca sĩ nổi tiếng, (như NSND Quang Thọ, ca sĩ Hồ Quỳnh Hương, ca sĩ Ngọc Anh v.v..) tham dự. Giọng hát của họ thực sự đã góp phần làm cho chương trình sống động, cuốn hút hơn lên rất nhiều... Điều đặc biệt nhất (cũng có thể nói như vậy), là cả 9 ca sĩ đều tự nguyện “phục vụ vô điều kiện” mà không đòi hỏi bất cứ một khoản thù lao nào...

PV Báo Quảng Ninh đã có cuộc trò chuyện thân mật với NSND Quang Thọ nhân sự kiện này...

- Chào NSND Quang Thọ! Xin ông cho biết cảm xúc của mình khi trở lại Quảng Ninh tham gia Carnaval Hạ Long lần này?
NSND Quang Thọ hát tại lễ khai mạc Carnaval Hạ Long 2013.
NSND Quang Thọ hát tại lễ khai mạc Carnaval Hạ Long 2013.
+ Tôi nghĩ, với tôi, có lẽ không phải là “trở lại” mà là “trở về” thì đúng hơn anh ạ. Về Hạ Long, về Quảng Ninh là tôi về với quê hương mình. Đây là lần thứ hai tôi tham gia biểu diễn nghệ thuật tại lễ hội Carnaval Hạ Long. Năm 2012, tôi là một trong những nghệ sĩ được lãnh đạo tỉnh chính thức mời về dự Carnaval Hạ Long. Còn trước đó, bản thân tôi cũng như một số ca sĩ, nghệ sĩ trưởng thành từ đất mỏ khác cũng muốn đóng góp công sức và tài năng cho Carnaval Hạ Long thành công hơn, nhưng không được mời. Điều này có nguyên nhân là do những năm ấy chương trình Carnaval Hạ Long do các đơn vị tổ chức sự kiện làm, người viết kịch bản tính toán theo ý của họ, nên có thể họ thấy không cần mời anh em chúng tôi chăng? Từ Carnaval Hạ Long năm 2012 trở đi, chương trình được lãnh đạo tỉnh chỉ đạo trực tiếp nên chúng tôi mới có điều kiện được về đây tham gia phục vụ lễ hội, bày tỏ tình cảm với quê hương. Với tôi, cũng như những ca sĩ, nghệ sĩ khác của Quảng Ninh, đây vừa là vinh dự, cũng vừa là trách nhiệm ...

- Không những thế, theo tôi được biết, để ủng hộ chủ trương xã hội hoá của tỉnh, ông và các anh, chị nghệ sĩ, ca sĩ khác còn từ chối, không nhận cát sê khi biểu diễn?

+ Đúng là như vậy. Người ta nói rằng, có đi làm ăn ở đâu thì làm, kiếm ở đâu thì kiếm, nhưng với quê hương thì tiền chưa hẳn là cái quan trọng nhất. Quê hương đã sinh thành, nuôi dưỡng mình, để cho mình có được ngày hôm nay; vậy nên tôi cho rằng, nghệ sĩ đích thực khi trở về quê hương thì họ vừa với danh nghĩa là nghệ sĩ, vừa với danh nghĩa là đứa con… Mà đã là “đứa con”, ai lại đòi tiền công… (cười). Chúng tôi về là để hoà vào dàn đồng ca lớn của lễ hội này. Về để cùng hoà vang khúc hát ngợi ca quê hương mình. Đấy là điều mà tôi nghĩ bất cứ một nghệ sĩ đích thực nào cũng cần phải có. Tất cả các ca sĩ chúng tôi đều không đưa ra bất cứ một điều kiện gì về mức độ thù lao khi biểu diễn. Trong khi đó, anh cũng biết rồi đấy, kinh tế thì khó khăn, cuộc sống của mỗi chúng ta đều khó khăn theo. Trong thời buổi này, ai chẳng muốn thu lợi cho mình. Nhưng đây không phải là một “cuộc làm ăn” mà là chuyện tình cảm…

- Và tình cảm ấy sẽ được thể hiện cụ thể trong Carnaval Hạ Long năm 2013, cũng như trong thời gian tới, như thế nào, thưa ông?

+ Tôi nghĩ tất cả đều muốn biểu hiện tình cảm của mình với Hạ Long. Mỗi người có một cách khác nhau. Là ca sĩ như chúng tôi, tình cảm ấy thể hiện tập trung nhất qua các bài hát ngợi ca quê hương. Chỉ tiếc một điều là chúng tôi không được biểu diễn nhiều do thời gian eo hẹp. Những gì mà chúng tôi thể hiện tại Carnaval Hạ Long lần này mới là phần nào tình cảm mà chúng tôi dành cho quê hương thôi. Điều đó sẽ còn tiếp tục được thể hiện trong tương lai nữa ...

- Carnaval Hạ Long 2013 đã kết thúc! Nhìn lại những gì đã diễn ra, ông có nhận xét gì không?

+ Theo tôi, điều cảm nhận trước hết là khâu tổ chức, lên kế hoạch đã tốt. Các tiết mục biểu diễn khá cô đọng, các ca sĩ đã chọn được những bài hát sở trường của mình… Và từ đó đã phát huy tương đối tốt khả năng cá nhân trong đêm diễn. Tất nhiên, đã là ca sĩ thì không phải lúc nào cũng chỉ hát bài hát ấy mà không phải là bài khác. Hát ở đâu, hát trong thời điểm nào chúng tôi cũng đều rất trân trọng. Thế nhưng, anh cũng thấy đó, ca sĩ ở Quảng Ninh nay đã thành danh khi trở về hát trên quê hương, trước bà con quê mình, vẫn hay hơn hát những nơi khác, thời điểm khác là bởi tình cảm của họ dành cho quê hương sâu nặng hơn… Tất cả còn tuỳ thuộc vào tổng đạo diễn nữa. Để cho mỗi ca sĩ thể hiện những gì tinh tuý nhất trong một thời gian cô đọng nhất cũng cần một sự tính toán kỹ. Như tôi chẳng hạn, không phải vô cớ tôi chọn bài hát trong đêm khai mạc là bài “Quảng Ninh - Đất lành chim đậu” của Lê Đăng Vệ, một nhạc sĩ là bạn cũ của tôi…

- Xin phép được hỏi thêm ông, rằng nhiều người vẫn nói Quảng Ninh là một điểm sáng trong hoạt động âm nhạc của cả nước. Là một ca sĩ đã thành danh từ Vùng mỏ, ông có thể cho biết đánh giá của mình về phong trào ca hát ở Quảng Ninh hiện nay?

+ Quảng Ninh, như cố Thủ tướng Phạm Văn Đồng từng nói, là một nước Việt Nam thu nhỏ. Ở đây có rất nhiều thứ mà thiên nhiên đã ban cho; có rất nhiều điều kiện để phát triển kinh tế, văn hoá - xã hội, trong đó có điều kiện phát triển âm nhạc. Quảng Ninh có một bề dày văn hoá, thể hiện sự đa dạng, sâu sắc về vùng miền. Kể từ thế kỷ trước đến nay, nhiều tài năng nghệ thuật, trong đó có các ca sĩ, đã được sinh ra và phát triển tốt từ Quảng Ninh. Có thể kể ra ở đây như Trần Khánh, Dương Phú, Lê Dung và sau này là những Hồ Quỳnh Hương, Ngọc Anh, Tuấn Anh, Hoàng Thái, Hà Hoài Thu, Hoàng Tùng v.v.. Và một điều quý giá, đáng trân trọng hơn nữa, là người Quảng Ninh luôn biết cách giữ gìn và phát huy truyền thống ấy. Tôi nghĩ là đến tận bây giờ và mai sau cũng sẽ vẫn như vậy, các giọng ca tốt, có triển vọng đều được xây dựng từ nền tảng vững chắc là các phong trào văn hoá - văn nghệ quần chúng, nghiệp dư. Dưới sự quan tâm chỉ đạo của các cấp chính quyền, các đơn vị, doanh nghiệp trong tỉnh thì phong trào văn hoá văn nghệ quần chúng đã được nuôi dưỡng và phát triển rất tốt. Thêm nữa, nhân dân Quảng Ninh cũng rất yêu ca hát, yêu nghệ thuật. Vì yêu, vì say mê nên tự họ sẽ tìm đến và rèn luyện thôi. Cũng vì yêu âm nhạc, yêu ca hát nên tỉnh và các địa phương trong tỉnh đã quan tâm hơn, đầu tư nhiều hơn. Đặc biệt nhất phải kể đến phong trào văn hoá văn nghệ quần chúng trong ngành Than. Đây là ngành kinh tế mũi nhọn của cả nước, thường xuyên quan tâm đầu tư cho các hoạt động văn hoá văn nghệ. Do vậy, nhiều ca sĩ, nhạc sĩ tài năng âm nhạc được phát hiện và bồi dưỡng từ các công ty, xí nghiệp Than nói riêng, ở Quảng Ninh nói chung, âu cũng là điều dễ hiểu…

- Xin cảm ơn NSND Quang Thọ về cuộc trò chuyện này!
Phạm Học thực hiện

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét