Thứ Ba, 2 tháng 4, 2013

Đạo diễn Hoàng Quỳnh Mai

NSƯT Hoàng Quỳnh Mai:

“Cải lương không hề mất đi trong lòng khán giả Vùng mỏ”

Cập nhật lúc 09:04, Chủ Nhật, 07/10/2012 (GMT+7)
LTS: NSƯT Hoàng Quỳnh Mai hiện công tác tại Nhà hát Cải lương Trung ương. Khán giả yêu cải lương nhớ đến chị qua các vai diễn như Nhâm trong “Điều không thể mất”, Phượng trong “Lôi Vũ”, Quỳnh trong “Nỗi đau tình mẹ” v.v. Gần đây, chị lại lui về sau ánh đèn sân khấu với vai trò của một đạo diễn. Và trong vai trò này, Quỳnh Mai cũng rất thành công trong việc kéo khán giả đến với những vở như “Gươm thiêng trao trả hồ thần”, “Cung phi Điểm Bích”, “Trọn đời trung hiếu với Thăng Long”, “Giọt đắng oan tình”, “Vú cát” v.v.

Tôi gặp NSƯT Hoàng Quỳnh Mai khi chị đang cùng Đoàn cải lương Quảng Ninh thực hiện vở diễn “Người đàn bà 13 bến nước”...

- Thưa chị, khán giả biết đến đạo diễn Hoàng Quỳnh Mai qua các vở cải lương mang đề tài lịch sử, nhưng “Người đàn bà 13 bến nước” lại là vở cải lương lấy đề tài hiện đại. Điều này có gây khó khăn gì cho chị không?

+ Tôi rất yêu mến lịch sử và luôn cố gắng khai thác những giá trị lịch sử trong các vở diễn của mình. Tuy nhiên, “Người đàn bà 13 bến nước”  không phải là vở diễn đầu tiên, mà trước khi về đây, tôi cũng đã làm đạo diễn cho một số vở diễn có đề tài hiện đại rồi. Như năm ngoái là vở diễn “Vú cát” chẳng hạn… Tất nhiên, từ những vở diễn có đề tài lịch sử chuyển sang làm những vở diễn hiện đại quả là rất khó. Khó bởi vì tính hấp dẫn của nó, cải lương vẫn hợp với những vấn đề có tính dân gian lịch sử hơn. Tuy thế, nhưng không phải không đưa được những vấn đề hiện đại vào cải lương. Chúng tôi cố gắng giữ lại chất ước lệ, mềm mại, kỳ ảo của truyền thống đem kết hợp với hơi thở hiện đại trong các vở cải lương của mình. Thậm chí, có thể nói, vở diễn này là một câu chuyện rất cũ nhưng sẽ được kể bằng lối kể rất mới...
NSƯT Hoàng Quỳnh Mai (ảnh nhân vật cung cấp)
NSƯT Hoàng Quỳnh Mai (ảnh nhân vật cung cấp)
- Lại bàn về lối kể chuyện của cải lương, tôi nhớ, có lần, chị đã nói: “Với cải lương, không thể vội vã”. Vậy trong nhịp sống công nghiệp hối hả của Quảng Ninh, cải lương có cần nhanh gọn không, thưa chị?

+ Đúng là tôi đã nói thế. Nhưng tôi lại nghĩ, khán giả Quảng Ninh thích tìm đến với những bộ môn giải trí mang tính công nghiệp, nhanh khoẻ. Vì thế, cải lương Quảng Ninh cần một tiết tấu nhanh gọn, bắt nhịp được với đời sống công nghiệp chứ không thể ề à, uỷ mị. Anh cũng thấy rồi đấy, tất cả những điều đó chúng tôi đã đưa được vào vở diễn này và được Hội đồng nghệ thuật đánh giá cao ở tính chất hiện đại...

- Nói đến cải lương là người ta nhớ đến vùng sông nước Nam bộ. Vậy mà chị và các đồng nghiệp lại phát triển cải lương ở miền Bắc và cụ thể là Quảng Ninh. Chị thấy khán giả Vùng mỏ đón nhận Cải lương như thế nào?

+ Đúng như anh nói, cái nôi của cải lương là Nam bộ nhưng cải lương đã nhanh chóng lan toả ra khắp cả nước. Trong cuộc hành trình từ Nam ra Bắc ấy, cải lương đã dừng chân ở Quảng Ninh và rồi tôi nghĩ nó còn phát triển mạnh ở đây nữa. Thực ra, những năm 80, cải lương Bắc đã phát triển rất mạnh. Riêng ở Quảng Ninh, từ năm 1957 cải lương đã có dấu ấn mạnh mẽ trong lòng công chúng Vùng mỏ (tiền thân là Đoàn cải lương Lúa vàng). Như anh vừa xem đấy, họ cùng nhau thể hiện một tác phẩm mà câu trả lời rõ nhất là sự yêu mến của khán giả. Cải lương không hề mất đi trong lòng khán giả Vùng mỏ...

- Những ấn tượng của chị khi đến Hạ Long và cộng tác với Đoàn cải lương Quảng Ninh?  

+ Tôi thấy khán giả ở đây vô cùng đáng yêu. Tôi thích cái nhịp sống công nghiệp này. Năm nào tôi cũng muốn xuống Hạ Long vài lần. Mỗi lần đến với Vùng mỏ là tôi như thể được trở về ngôi nhà thân thương của mình vậy. Anh em ở đây làm việc, chia sẻ những khó khăn vất vả với nhau làm tôi rất xúc động. Tất cả với tôi đều gần gũi thân thiết vô cùng… Tôi hy vọng anh chị em sẽ cùng nhau gìn giữ được “nghiệp tổ”. Và tôi nghĩ, nghệ thuật cải lương mang đậm đà bản sắc văn hoá dân tộc như thế thì tại sao chúng ta lại không giới thiệu cải lương, với một phong cách thật “Quảng Ninh”, đến với công chúng. Quảng Ninh lại là đất du lịch nữa. Vì thế, tôi mong muốn được giới thiệu cải lương với đông đảo khán giả trong và ngoài nước. Cần thu hút hơn nữa khách du lịch đến với chúng ta và đưa khách đến rạp để xem cải lương. Tôi cũng mong muốn được đem hết sức mình đóng góp cho sự phát triển của cải lương Quảng Ninh...

- Xin cảm ơn chị về cuộc trò chuyện này!
Phạm Họ

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét