Thứ Tư, 3 tháng 4, 2013

Lên bản đón xuân

Lên bản đón xuân

Cập nhật lúc 04:02, Chủ Nhật, 27/01/2013 (GMT+7)
Gần Tết Nguyên đán Quý Tỵ, tôi và một anh bạn rủ nhau làm chuyến công tác lên thăm vùng cao Tiên Yên. “Đã đến Tiên Yên thì thử vào Hà Lâu thăm các cô giáo “cắm bản” đi!” - Anh bạn tôi rủ rê. Và cả hai háo hức lên đường...

“Hà Lâu xa cách quá chừng...”

Con đường từ thị trấn Tiên Yên đến xã Hà Lâu chỉ khoảng 30 cây số. Đường đẹp có thể đi bằng xe ô tô được. Nhưng đấy mới là điểm trường chính (thôn Bắc Lù), còn muốn vào các điểm trường ở các bản khác phải vượt qua hàng chục cây số trèo đèo lội suối. Chiếc xe máy của tôi ì ạch bò lên từng con dốc. Có đoạn nó như người đuối sức, thở không ra hơi. Rồi bất chợt bốc đầu chực quay lại. Có lẽ biết chúng tôi không phải là “dân chơi thứ thiệt” với trò bốc đầu, chiếc xe hất văng khổ chủ xuống đường. Thế là gửi xe, cuốc bộ lên dốc và kéo quần lội suối. Có khi đánh bệt bên đường mà thở. Anh bạn tôi bày trò nhại thơ Nguyễn Bính cho đỡ mệt: “Hà Lâu cách bốn quả đồi/ Cách ba con suối cách đôi cánh rừng/ Hà Lâu xa cách quá chừng/ Em van anh đấy anh đừng thương em…”. Thầy giáo Vi Đức Phúc, Hiệu trưởng Trường phổ thông Dân tộc bán trú Tiểu học và Trung học cơ sở Hà Lâu, vừa dẫn đường vừa kể: “Vất vả lắm các anh ạ. Đã có đến 3 lần trường chúng tôi suýt chút nữa thì mất 3 cô giáo vì lũ cuốn, vì ngã và vì rắn cắn rồi đấy. Còn chuyện vồ ếch thì… như cơm bữa”. Cứ đi như thế chừng tám cây số thì đến được Bản Danh. Đây là một bản nhỏ của xã Hà Lâu với vài chục nóc nhà, tường làm bằng nứa nện đất. Họa lắm mới thấy một căn nhà được xây kiên cố. Trường học cũng chẳng khá hơn. Gọi là trường cho sang vậy thôi chứ thực chất là mấy lớp học ghép bằng tranh, nứa bên cạnh khu chăn nuôi của bà con dân tộc. Trâu bò đâu chẳng thấy mà chỉ thấy phân chất đống lên trên sàn gỗ bay mùi ô uế lên các lớp học cách đó mấy bước chân. Có 2 phòng học tạm với 4 lớp tiểu học chia làm 2 buổi. Mỗi lớp có chừng khoảng 10 học sinh. Đứa nào cũng gầy gò, ăn mặc rất phong phanh. Chúng lạ lẫm nhìn chúng tôi, vai xo lại vì rét. Nhìn học sinh của mình đầy ái ngại, cô giáo Bế Thị Khang, giáo viên điểm trường Bản Danh, nói như thanh minh: “Các em ở đây đều thiếu áo ấm. Chúng tôi mới mua bạt về che chắn xung quanh lớp cho bớt rét đấy”.
Nụ cười bé thơ.
Nụ cười bé thơ.
Từ Bản Danh chúng tôi đi khoảng gần chục cây số nữa mới đến được bản Nà Hắc. Nà Hắc là bản xa nhất của xã Hà Lâu; như một thung lũng nhỏ với bốn bề là núi. Tôi cảm nhận được không khí âm u hơn, cái rét như cắt cứa hơn khi đến đây. Như đọc được tâm trạng của tôi, thầy giáo Vi Đức Phúc bảo: “Nà Hắc nghĩa là “ruộng tối”, ở đây thời tiết lạnh hơn, ít ánh sáng hơn các nơi khác. Cuộc sống của bà con dân bản cũng vì thế mà rất khó khăn”. Nguồn sống chủ yếu của toàn bộ 25 hộ ở bản này dựa vào lâm nghiệp. Nếu như Hà Lâu là xã khó khăn nhất của huyện Tiên Yên thì Nà Hắc chính là nơi khó khăn nhất. Đất đai thì nhiều thật đấy nhưng cơ sở hạ tầng vừa thiếu lại vừa yếu, cộng với khả năng canh tác của người dân còn lạc hậu đã làm cho cái nghèo cứ đeo bám dai dẳng. Do vậy, điểm trường Nà Hắc là một trong 10 điểm trường thử thách bước chân của các thầy cô giáo miền xuôi trong bao năm nay. Muốn đến trường phải vượt qua hàng hơn chục con dốc, 2 con suối rất trơn. Nơi đây còn xa xôi hơn vì nhiều thứ “không”: Không đường cấp phối vào bản, không điện lưới, không cả sóng điện thoại...
Thầy trò sửa sang lớp học chuẩn bị đón chào xuân mới.
Thầy trò sửa sang lớp học chuẩn bị đón chào xuân mới.
Các thầy cô giáo ở Nà Hắc tiếp đón chúng tôi trong ánh điện yếu ớt của máy phát bằng tua-bin nước đặt ở dưới suối. Huệ, một cô giáo trẻ, cho biết: “Thỉnh thoảng chúng em phải ra ngoài trung tâm chứ ở đây chẳng liên hệ được với ai. Muốn nói chuyện điện thoại phải trèo lên núi mới có sóng”. Nhà ở thì được nện bằng đất, mưa to gió lớn, đất ấy gặp nước là mủn ra ngay. Có nhiều thầy cô trẻ quê ở xa, có người mãi tận Hải Phòng vào đây dạy hợp đồng. Lương giáo viên thấp, chỉ khoảng gần 3 triệu, nên hóa ra chuyện không có điện, nước máy, gas v.v.. lại… hay, vì bớt đi một khoản chi phí không nhỏ cho các giáo viên ở đây! Nước dưới suối, củi ngoài rừng, rau trồng bên lớp học. Và cuộc sống “tự cung tự cấp” cứ lặng lẽ trôi qua. Mùa đông cũng lặng lẽ đi qua…
Lớp học những ngày cuối đông.
Lớp học những ngày cuối đông.
Nơi mùa xuân đến sớm...
Khi hơi men đã ngấm đến mềm môi, tôi chạy xuống bếp định bụng tỉ tê nói chuyện với cô giáo Huệ. Cô vẫn đang chăm chú thổi lửa. Chợt đôi má cô ửng đỏ. Và tôi biết, dù Nà Hắc có xa xôi thì mùa xuân cũng đã về rồi...
Dù khó khăn là vậy nhưng các thầy giáo, cô giáo vẫn cứ phải bám trường, bám lớp. Có điểm trường xa quá, giáo viên lâu lâu mới được về nhà một lần. Cô giáo trẻ Lý Thị Lùng, nhà ở Bản Buông cách trường 9 cây số, cho biết: “Ngày trước em đi học vất vả lắm, nên bây giờ càng thương các em học sinh hơn. Em đã cố gắng học tập để trở lại vùng cao dạy chữ cho các em nhỏ”. Được biết, Lùng là một trong số ít những học sinh dân tộc của trường Hà Lâu đã học lên cao và quay trở lại làm giáo viên cắm bản. Còn lại đa số giáo viên đều là người từ nơi khác đến. Những lớp học đơn sơ, những đứa trẻ nhút nhát… đã trở thành người thân, thành quê hương của họ. Anh Vi Đức Phúc cho biết thêm: “Dân bản quý thầy giáo lắm. Có cái gì là họ cũng đều mang cho thầy giáo hết. Đó cũng là động lực để các thầy cô ở lại. Ban ngày các thầy cô giáo ở bản dạy chữ cho lũ trẻ. Tối đến họ lại đứng lớp xóa mù cho bà con. Có được cái chữ, dân bản sẽ đỡ khổ hơn, sẽ bớt đi những hủ tục lạc hậu”. Họ vận động bà con sống theo lối sống mới, chăn nuôi xa nhà ở, vận dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất. Hết giờ học là cả thầy và trò lại cùng nhau kiếm tre nứa, bạt, nguyên vật liệu về sửa sang lớp học chống chọi lại mùa đông giá rét. Ai cũng muốn trong mùa xuân này trường lớp được khang trang hơn. Các thầy cô còn cùng với dân bản chặt cây, chuẩn bị chôn cột điện kéo ánh sáng điện lưới quốc gia về với bản. Chính các thầy cô giáo vùng cao đã mang về mùa xuân đầy hy vọng cho bản làng.

Mùa xuân thường đến sớm với dân bản. Chả là khi ở Bản Danh, tôi cứ thắc mắc là tại sao nhà trường vừa mới may áo ấm cho học sinh mà rét thế lại không thấy các em mặc? Thầy Vi Đức Phúc cười giải thích: “Không phải các em ấy không rét đâu. Các em muốn chờ đến Tết mặc cho mới ấy mà. Mấy ngày nữa thôi là họ sẽ đón Tết”. Thì ra, dân bản ăn Tết cả tháng trời, bắt đầu từ khoảng ngày 20 Âm lịch. Cả bản Nà Hắc có 25 hộ, mỗi hộ sẽ chịu trách nhiệm mời toàn bộ bà con trong bản đến ăn Tết một ngày. Xoay vòng như thế bao giờ hết lượt thì thôi. Dân bản không quá quan trọng món ăn ngày Tết. Cứ có rượu, thịt, có bánh chưng là được. Nhà nào sang thì có thịt thú rừng sấy khô. Còn lại nhà nào có gì thì dùng nấy, có ít dùng ít có nhiều dùng nhiều. Nếu có khách phương xa đến thì họ càng vui, tiếp đón thịnh tình lắm. Quả đúng như vậy. Con người nơi đây tiếp chúng tôi bằng cả tấm chân tình. Rượu do dân bản tự nấu từ khoai, sắn. Cá bắt dưới suối lên. Loài cá nhỏ, thơm lắm nhưng chẳng biết gọi tên là cá gì. Có người gọi là cá lửa. Chẳng biết có lửa thật không nhưng nhắm nháp thứ cá ấy với rượu khoai thấy rất ấm lòng. Có người lại đi bắt ngan, làm thịt lợn, người khác lại mang rượu ngâm với một loại cây rừng ra mời anh em chúng tôi. Vừa uống rượu với chúng tôi, thỉnh thoảng cô giáo Huệ lại chạy xuống bếp thổi lửa. Trên bếp có một cái nồi gì đó rất to. Tôi đùa, nói trêu Huệ: “-Em đun nước thịt voi đãi bọn anh hay sao mà nấu nồi to thế?”. Huệ cười, lém lỉnh: “-Bọn em đun nước tắm đấy anh ạ. Tết nhất đến nơi rồi phải tắm cho sạch sẽ thơm tho chứ. Còn thịt voi ấy à, anh cứ để mấy anh kia về đi, ở lại với bọn em thì đừng nói là thịt voi mà thịt… gì cũng có!”. Mấy cô giáo khác mách nhỏ với tôi rằng, cô giáo Huệ xinh quá nên được nhiều trai bản để ý, dân bản chiều cô lắm. Tối nào trai bản cũng đứng ở cửa phòng cô. Họ rủ cô đi chơi, đi nhảy lửa, nhảy sạp… Có anh trai bản đã 40 tuổi rồi còn tuyên bố nếu không lấy được cô Huệ thì suốt đời sẽ không lấy vợ… “-Thảo nào mà khoảng sân đất trước cửa phòng các cô cỏ không thể mọc được!” - Tôi ngó lơ ra sân và thoáng mỉm cười với phát hiện ấy của mình. Cỏ cháy vì lửa, cỏ nát dưới bàn chân những chàng trai bản vạm vỡ. Thực sự, các cô giáo dưới xuôi lên đây đã mang về cho bản một không khí sôi nổi, tươi vui. Đó là những cô Sinh, cô Thảo, cô Châu, cô Huệ v.v.. Cứ hết 3 năm, một cô giáo về xuôi, trai bản lại buồn ngơ ngẩn.

Trong buổi chiều nhập nhoạng, khi hơi men đã ngấm đến mềm môi, tôi chạy xuống bếp định bụng tỉ tê nói chuyện với cô giáo Huệ. Cô vẫn đang chăm chú thổi lửa. Chợt đôi má cô ửng đỏ. Và tôi biết, dù Nà Hắc có xa xôi thì mùa xuân cũng đã về rồi...
Phạm Học
Báo Quảng Ninh
,
.
.

,
.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét