Thứ Tư, 3 tháng 4, 2013

Ngày xuân vãng cảnh chùa Thanh Lương-


Ngày xuân vãng cảnh chùa Thanh Lương

PHẠM VĂN HỌC | 01/03/2012 11:14 (GMT + 7)
AT - Mùa xuân vãng cảnh chùa, cầu tài lộc, cầu phúc, chiêm ngưỡng cảnh chùa, tịnh tâm hướng lên cõi thiện là cái thú của người dân Việt xưa nay. Cái thú ấy từ lâu đã trở thành sinh hoạt văn hóa không thể thiếu, đặc biệt là dịp đón năm mới, nghênh xuân. Những ngày Tết Nhâm Thìn, chùa Thanh Lương (Phú Yên) lại tấp nập khách du xuân cầu phúc lộc, bình an.

Từ một pho tượng kỳ bí...
Chùa Thanh Lương tọa lạc tại thôn Mỹ Quang Nam, xã An Chấn, huyện Tuy An, cách trung tâm thành phố Tuy Hòa khoảng 10km về phía bắc. Chùa nổi tiếng khắp vùng vì câu chuyện ly kỳ của pho tượng Quan Thế Âm.
Đại đức Thích Quảng Ngộ, trụ trì chùa Thanh Lương, kể lại: “Vào sáng sớm ngày 24-12-2004, một duyên sự trọng đại mang tính lịch sử lớn đã đến với chùa Thanh Lương. Pho tượng Bồ Tát Quan Thế Âm bằng gỗ quý trong dáng đứng trên một con rồng, cao 2,2m từ ngoài biển khơi trôi dạt vào Hòn Dứa, cách chùa không xa, được ngư dân phát hiện và báo cho chùa. Chùa thông báo đến chính quyền và tổ chức cho Phật tử ra thỉnh về thờ.
Lúc rước tượng mới thấy kỳ bí hơn nữa. Tượng Phật dạt vào bờ trong tư thế đứng, đứng giữa khe đá. Bà con di chuyển tượng rất khó khăn, rất nhiều nhân lực và phương tiện được huy động nhưng cũng không thỉnh được tượng về. Chỉ đến khi niệm đúng danh tính của Ngài thì có một con sóng rất lớn ập vào để trợ giúp”.
Tư liệu lưu hành nội bộ trong chùa còn ghi lại rằng: “Pho tượng tuy không còn nguyên vẹn do sự bào mòn của thời gian và ảnh hưởng môi trường do chìm ngấm dưới biển lâu năm, nhưng vẫn dễ dàng nhận ra nguyên bản dáng đứng của Bồ Tát Quan Âm.
Từ đó đến nay có rất nhiều đoàn thể cũng như cá nhân trong và ngoài nước đến tham quan pho tượng này. Những nhà nghiên cứu trong lĩnh vực khảo cổ cũng từng về chiêm bái và khẳng định sự gặp gỡ nhân duyên mang nhiều ý nghĩa này của pho tượng”. Người ta không xác định được xuất xứ cũng như niên đại của tượng mà chỉ đoán khoảng trên 100 năm. Đây cũng là một hiện tượng cực kỳ hi hữu trong khu vực Đông Nam Á. Tượng Phật còn độc đáo hơn là hình ảnh Bồ Tát Quan Âm không có đôi bàn tay.
Nhiều phật tử có tâm đã ngỏ ý được phục chế pho tượng nhưng đại đức Thích Quảng Ngộ kiên định giữ nguyên hiện trạng. Phật tử nơi đây ít gọi là tượng Quan Thế Âm mà hay gọi là tượng Mẹ. Tượng Phật là biểu trưng đầy ý nghĩa cho người Mẹ phương Đông. Chi chít những vết hà biển đục lỗ rỗ trên bức tượng như nói lên rằng Mẹ đã phải gánh chịu mọi nỗi khổ, hứng chịu tất cả nỗi đau trên thế gian này. Điều đó cũng chính là “hạnh” vị tha của Quan Thế Âm.
Đến một điểm hành hương độc đáo...
Nói về cái tên của ngôi chùa, đại đức Thích Quảng Ngộ bộc bạch: “Thanh Lương nghĩa là thanh thản và bình yên. Trong nhịp sống xã hội bộn bề này, đôi khi người ta muốn sống chậm lại và sẽ tìm đến vãng cảnh chùa để tâm được an lạc, lấy lại sự cân bằng trong cuộc sống. Tất cả cảnh trí nơi đây đều được bố trí theo ý nghĩa ấy để những thông điệp bình dị này có thể len lỏi vào tâm hồn phật tử đến vãng chùa”.
Cái riêng của cảnh chùa là sự giao thoa giữa tâm và cảnh. Tâm cảnh viên dung thì thế giới mới tròn đầy và mùa xuân thường tại khắp cả thế gian. Cảnh quan ở đây không đồ sộ mà e ấp kín đáo, không lộng lẫy tân thời mà uy nghi trầm mặc.
Vị đại đức trụ trì muốn bố trí kiến trúc ngôi chùa theo kiểu bài trí đơn sơ nhất. Phật tử đến vãng cảnh chùa và đi theo lối nào, cách nào là tùy tâm của họ. Đi qua cổng chùa, du khách sẽ bắt gặp ngay trước mắt bức tượng Đức Phật Di Lặc với nụ cười an nhiên tự tại của một người như đã hiểu hết lẽ đời. Kế đến là không gian của đá, những hòn đá được đặt cạnh nhau như tạo nên thế giới im lặng ngây ngô. Nhưng không, đá cũng có ngôn ngữ riêng: vô ngôn, tĩnh lặng và buông xả.
Bên trái ngôi chùa, sen nở ngát hương dưới hồ như tô điểm cho bức tranh thêm sức sống. Mái tam quan được giữ nguyên vẻ cổ kính với mái ngói nâu đỏ rêu phong. Toàn bộ cảnh chùa như ẩn hiện dưới tán cây cổ thụ, tạo cho du khách cảm giác yên bình. Tượng Mẹ được bố trí độc lập trong Quan Âm Linh Ứng, nằm ở vị trí trung tâm và quay mặt ra phía cổng chùa, hướng ra phía biển.
Người ta còn tìm đến ngôi chùa này vì muốn đàm đạo với đại đức Thích Quảng Ngộ, một nhà sư có tư chất nghệ sĩ. Nhà sư này tìm đến với thư pháp như là để tu tâm dưỡng tính, đó còn là con đường gắn với thiền học. Mỗi khi thấy tâm bấn loạn, Phật tử thường tìm đến chùa để chiêm bái Đức Phật và xin chữ người trụ trì. Các bức thư pháp mà đại đức Thích Quảng Ngộ viết thường được trích ra từ kinh Phật hay thơ của các thi sĩ nổi tiếng. Nhiều người nhận được chữ của thầy rồi vịn vào câu thơ mà đứng dậy, vượt qua sóng gió của cuộc đời. Với tâm nguyện của Phật tử nơi đây, chùa Thanh Lương đang trở thành điểm hành hương mang giá trị tâm linh độc đáo của tỉnh Phú Yên. 
 Theo Báo Tuổi trẻ

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét