Thứ Năm, 11 tháng 7, 2013

Ca sĩ Hà Hoài Thu trò chuyện với PV Báo Quảng Ninh

Bài đăng trên Báo Quảng Ninh

"Mình luôn muốn giữ cá tính, cả trong cuộc sống, cả trên sân khấu..."

Cập nhật lúc 08:43, Chủ Nhật, 07/07/2013 (GMT+7)
(Ca sĩ Hà Hoài Thu trò chuyện với PV Báo Quảng Ninh)

Những năm gần đây, mỗi khi Quảng Ninh tổ chức một sự kiện lớn nào đó, cũng như nhiều ca sĩ người Quảng Ninh đã thành danh khác, ca sĩ Hà Hoài Thu luôn vui vẻ nhận lời tham gia. Chị bảo: “Được hát ngay tại quê mình, cho những người thân quen của mình nghe thì còn gì vui hơn!”.

- Những lần như vậy chắc là để lại nhiều cảm xúc trong tâm hồn chị?
Ca sĩ Hà Hoài Thu.
Ca sĩ Hà Hoài Thu.
+ Ồ, đúng thế! Thu đã đi hát rất nhiều nơi, tham dự rất nhiều lễ hội trong nước cũng có, ngoài nước cũng có. Nhưng mỗi khi về Quảng Ninh, có rất nhiều điểm đặc biệt, có rất nhiều kỷ niệm đẹp, vì đây là quê hương mình. Ở đây còn có những người thân thiết, bạn bè của mình, những người chứng kiến từng bước đi, từng bước trưởng thành của mình. Cảm xúc được hát cho họ nghe nó rất khác, rất đặc biệt, anh ạ. Hầu như khi nào tỉnh tổ chức một sự kiện văn hoá lớn, như Carnaval Hạ Long chẳng hạn, nếu được mời, Thu đều vui vẻ nhận lời ngay. Cũng có thể nói, tuy không còn quá háo hức như buổi diễn đầu tiên, nhưng vẫn còn nguyên vẹn cảm xúc được hát cho những người đã chứng kiến động viên mình, những người thân thuộc của mình...

- Tình yêu quê hương ấy sẽ được chị hiện thực hoá như thế nào trong thời gian tới?

+ Mỗi người một công một việc nên sẽ có những đóng góp riêng. Những người khác có thể sẽ đóng góp cho quê hương bằng cách này, cách khác; còn Thu, Thu sẽ góp sức mình cho quê hương bằng giọng hát…

- Như tôi được biết, chị đã thiết kế phòng ở của mình theo một không gian mang hương vị biển. Điều đó có phải xuất phát từ tình yêu Hạ Long của chị không?

+ Cảm ơn câu hỏi của anh. Thu muốn nói đến cái bể cá nước mặn trong ngôi nhà của mình. Thu rất thích biển, yêu biển, ao ước có một không gian biển. Nhưng Thu chưa có điều kiện để làm được điều đó. Mà đây lại là một món quà của một người bạn ở Quảng Ninh mang lên tặng Thu và một người bạn khác nữa. Thực ra mình chỉ “hưởng ké” thôi! (cười). Nhưng lại rất đúng ý mình. Anh cũng là người xa quê nhiều năm, anh biết rồi đấy, xa Quảng Ninh thì cái khiến ta nhớ nhất chính là hương vị biển rất đặc trưng. Sự có mặt của một bể cá nước mặn trong nhà là một điều thú vị của Thu đấy…

- Là một ca sĩ đã thành danh từ đất mỏ, chị có thể cho biết đánh giá của mình về các ca sĩ trẻ ở Quảng Ninh hiện nay?

+ Quảng Ninh luôn có sự xuất hiện của những ca sĩ tài năng. Nó như những lớp sóng, lớp sóng sau gối lên lớp sóng trước. Nhiều người đặt câu hỏi rằng, không biết ở Quảng Ninh người ta ăn gì, uống gì mà thấy ai cũng hát hay? Sao vào mỏ than, đi ra biển, hay ở đâu đó người Quảng Ninh đều hát hay (cười). Phong trào văn nghệ quần chúng thì “quá đỉnh” rồi… Riêng Thu, Thu rất quan tâm đến những ca sĩ cùng lứa với mình và trẻ hơn mình. Mỗi lần về phòng thu của nhạc sĩ Việt Hồng, mình đều hỏi xem gần đây có gương mặt nào có triển vọng không. Gần như lần nào câu trả lời mà Thu nhận được cũng là: -“Có chứ”. Thu nghĩ, vấn đề quan trọng là các bạn ấy có năng khiếu, có đủ đam mê và quyết tâm hay không thôi…

- Theo kinh nghiệm của chị, các ca sĩ trẻ nói chung, ca sĩ trẻ của Quảng Ninh nói riêng, một khi từ “ao nhà” ra “biển lớn” thì thường gặp những thuận lợi và khó khăn gì?

+ Có nhiều thuận lợi, trong đó có một thuận lợi, thực ra nói là thế mạnh thì đúng hơn, là các ca sĩ trẻ lên một môi trường được phát triển tài năng đều hồn nhiên trong giọng hát. Họ hát ít bị gò bó, hát như là bản năng nên cảm xúc dễ đi vào lòng người. Tuy nhiên, họ cũng đứng trước hàng loạt khó khăn, như dễ bị “khớp” trước những sân khấu lớn. Do thường xuyên hát đĩa nên khi hát với các ban nhạc thì dễ choáng ngợp lắm. Độ chuyên nghiệp đòi hỏi cao hơn nên các bạn đôi khi cứ phải “gồng mình” lên để hoà vào nhịp chuyển động chung. Tuy nhiên, ca sĩ nào chẳng phải trải qua giai đoạn như vậy, nên cũng không có gì phải đáng ngại lắm…

- “Trai Phòng, gái Quảng” là câu nói mà dân gian ám chỉ tính bản lĩnh (hay cũng có thể nói là sự ghê gớm…) của con gái Quảng Ninh. Câu nói ấy có vận vào chị không?

+ Ghê gớm hay không thì là do những người xung quanh đánh giá! Nhưng có một điều mình nhận thấy rất rõ qua nhóm bạn đồng hương cùng trang lứa đang sống ở Thủ đô là tụi mình đều có điểm giống nhau ở tính cách độc lập và… nói thế nào nhỉ, nếu quý mến thì bảo là rất cá tính; còn nếu không ưa thì bảo là đanh đá, là ghê gớm… Phải chăng “gái Quảng” trong câu anh vừa nói để chỉ cái “cá tính nổi trội” ấy của các cô gái Quảng Ninh chăng? Mà nói thế có lẽ cũng… không oan đâu nhỉ! (cười)…

- Hà Hoài Thu cái thời của “Sao mai điểm hẹn” và Hà Hoài Thu bây giờ có gì khác biệt?

+ Già hơn mấy tuổi này. Bản lĩnh hơn, lì hơn rất nhiều nữa này. Đã có những album riêng. Đến bây giờ Thu đã trưởng thành rất nhiều về nghề. Trước kia, gặp sóng gió thị phi là suy nghĩ nhiều, thậm chí là chỉ biết tấm tức khóc… Nhưng bây giờ thì vững vàng hơn lên rất nhiều. Nói chung, thời gian qua đi, con người ta cũng phải khác đi chứ! Nhưng có một thứ với Thu không bao giờ khác cả; ấy là tình yêu nghệ thuật. Thu vẫn vậy, vẫn giữ nguyên vẹn ngọn lửa đam mê theo đuổi con đường ca nhạc…

- Dự định âm nhạc trong thời gian tới của chị là gì?

+ Sắp tới Thu sẽ làm một album. Cũng không hoàn toàn là nhạc nhẹ, nó sẽ rất khác… Nhưng tất cả vẫn đang ấp ủ, khó có thể nói cụ thể như thế nào được. Thôi thì cứ để “Em có một bí mật” đã nhé! (cười).  (“Em có một bí mật” là tên một album của Hà Hoài Thu - PV).

- Xin được hỏi Hà Hoài Thu thêm một câu nữa. Gần đây thấy bạn thường rất hay hát và hát rất truyền cảm nhiều ca khúc về tình yêu (như “Tình yêu chưa đến”, “Tình yêu như mùa thu hãy cho trời trong xanh” v.v..). Chắc có điều gì đó mới mẻ…?

+ Cuộc sống công việc đã quá nhiều áp lực rồi. Thu nghĩ, cái mà mình nên chiều mình đầu tiên đó chính là tình yêu. Khi mình đã thương một người, rung động trước một người thì hãy để cho nó tự nhiên. Không nên quan niệm nó là cái gì cả, hãy để cho nó được sống đúng là nó… Bạn trai của Thu không phải là người trong nghề nhưng cực kỳ yêu nghệ thuật. Đó lại là cái dung hoà cho nhau. Anh cũng biết rồi, người ta nói, đôi dép cùng hướng thì dép không đi chung được. Nó phải là một chiếc trái, một chiếc phải, thế mới chuẩn. Thú vui, hạnh phúc với tình cảm của mình bây giờ...

- Xin cảm ơn chị về cuộc trò chuyện thú vị này!
Phạm Học
Ca sĩ Hà Hoài Thu, sinh năm 1986 tại Hạ Long, trong một gia đình không có ai làm nghệ thuật; từng là diễn viên Trung tâm Thực hành và biểu diễn của Trường Cao đẳng Văn hoá Nghệ thuật và Du lịch Hạ Long; sinh viên Đại học Văn hoá nghệ thuật Quân đội. Ngày còn nhỏ, cô bé Hà Hoài Thu khá nhút nhát, thường nhìn chúng bạn trên sàn diễn với con mắt ngưỡng mộ. Vì thế năm 18 tuổi, Thu thi vào Hệ Trung cấp Sư phạm Âm nhạc (Trường Cao đẳng Văn hoá Nghệ thuật và Du lịch Hạ Long). Tốt nghiệp ra trường, Hà Hoài Thu được giữ lại công tác ở Trung  tâm Thực hành và biểu diễn. Với những cố gắng không mệt mỏi của mình, Hà Hoài Thu đã đạt nhiều giải thưởng âm nhạc trong các cuộc thi: Giải Nhất dòng nhạc nhẹ Sao mai 2009; Giải triển vọng Sao mai điểm hẹn 2010. Hà Hoài Thu đã ra mắt Album đầu tay “Em có một bí mật” cùng sự hợp tác của nhạc sĩ Hải Phong. Đây là câu chuyện về những cung bậc tình yêu của một cô gái trẻ đối diện với những khoảng lặng trên con đường đi tìm lời giải cho những câu hỏi vốn không có lời đáp...

Thứ Năm, 13 tháng 6, 2013

Ca sĩ Hồ Quỳnh Hương: “Giọng hát và phong cách biểu diễn của tôi chính là của... người Quảng Ninh!”

Ca sĩ Hồ Quỳnh Hương: “Giọng hát và phong cách biểu diễn của tôi chính là của... người Quảng Ninh!”

Bao Quang Ninh Cập nhật lúc 05:42, Chủ Nhật, 02/06/2013 (GMT+7)
Hoạt động chủ yếu trên các sân khấu âm nhạc phía Nam, ca sĩ Hồ Quỳnh Hương ít có điều kiện để thường xuyên trở về quê hương Hạ Long. Thế nhưng, cứ mỗi khi tỉnh nhà có sự kiện lớn, cô ca sĩ đất mỏ này lại trở về để mang lời ca tiếng hát của mình phục vụ bà con quê hương. Trong dịp Carnaval Hạ Long 2013 cũng vậy... Trò chuyện với tôi, chị nói:

+ Hương ở xa nên rất nhớ quê hương, mỗi lần được về Hạ Long, Hương lại có dịp gặp lại người thân, bạn bè, đồng nghiệp, gặp lại các cô chú mà trước đây Hương đã được họ dìu dắt từ phong trào văn hoá văn nghệ của tỉnh nhà. Được về hát cho người dân Quảng Ninh nói chung và Hạ Long nói riêng cũng là niềm vinh dự của Hương. Đặc biệt, được tham gia chương trình Carnaval Hạ Long, một hoạt động nghệ thuật lớn của tỉnh nhà, cũng là cơ hội để Hương giới thiệu với bạn bè về quê hương của mình...
Ca sĩ Hồ Quỳnh Hương hát tại sân khấu Hạ Long By night. Ảnh: P.h
Ca sĩ Hồ Quỳnh Hương hát tại sân khấu Hạ Long By night. Ảnh: P.h
- Ngoài “hát cho bà con tôi nghe” trong các sự kiện lớn của quê nhà, chị còn có dự định gì để thể hiện tình yêu quê hương của mình nữa không trong thời gian tới?

+ Hương sẽ biên tập một album, với những bài hát về Hạ Long và cùng chị gái mình là ca sĩ Hồ Quỳnh Tâm thu âm để dành tặng cho quê hương. Sắp tới, Hương sẽ ra mắt album mới đó và có kế hoạch biểu diễn, giới thiệu album tại Quảng Ninh…

- Quảng Ninh là vùng đất đã sinh ra nhiều ngôi sao ca nhạc. Là một ca sĩ đã thành danh từ đất mỏ Quảng Ninh, chị có thể cho biết đánh giá của mình về các tài năng ca nhạc trẻ hiện nay cũng như phong trào ca hát của tỉnh nhà?

+ Đúng như anh nói. Quảng Ninh là một trong những cái nôi âm nhạc của cả nước, đã có rất nhiều các ca sĩ nổi tiếng xuất thân từ đây. Qua theo dõi trên các phương tiện thông tin, Hương được biết phong trào ca hát của tỉnh nhà vẫn phát triển tốt, hàng năm các cuộc thi văn nghệ quần chúng, thi Tiếng hát phát thanh truyền hình… đều xuất hiện các gương mặt mới đầy tài năng. Tuy nhiên, để tiến xa hơn nữa trong nghệ thuật thì các bạn trẻ cần phải có lòng yêu nghề, sự quyết tâm và đầu tư để có sản phẩm âm nhạc của riêng mình…

- Được biết hồi bé chị là một cô bé rất tinh nghịch... Phải chăng tính cách ấy đã tạo nên phong cách biểu diễn bốc lửa, những vũ đạo “náo loạn” sân khấu, giọng hát “cháy hết mình” của chị sau này?

+ Ngày bé, đúng là Hương rất “quậy”. Mà anh thấy đấy, con gái đất mỏ thường như thế mà! (cười). Sau này, có nhiều người hỏi Hương là tại sao giọng hát của người Quảng Ninh khoẻ và cao đến vậy? Hương thường trả lời là do người Quảng Ninh quê của Hương sống gần biển nên “ăn sóng nói gió”; lại uống nước từ khe núi có than đá nên tiếng hát khoẻ và cao... Đùa thế thôi, nhưng Hương nghĩ, có một sự thật là phong cách biểu diễn của Hương rất là “Quảng Ninh”, mạnh mẽ và cháy hết mình đúng như anh nhận xét…

- Còn nhớ có lần chị nói, chị và chị gái mình có nét tính cách trái ngược nhau. Chị có thể chia sẻ vài kỷ niệm của mình về người chị gái, ca sĩ Hồ Quỳnh Tâm?

+ Chị Tâm dịu dàng, điềm đạm bao nhiêu thì Hương “nổi loạn” bấy nhiêu. Và đương nhiên bao giờ chị cũng nhường em. Từ bé chị Tâm đã phải nhiều lần bị đánh đòn oan vì em gái, cho đến bây giờ chị vẫn bị Hương “bắt nạt”, mặc dù chị đã có gia đình riêng. Nói vậy thôi, chứ trong cuộc sống hai chị em rất hiểu nhau và Hương cũng chính là người truyền cho chị Tâm sự mạnh mẽ và quyết đoán, còn chị Tâm thì giúp Hương “dịu dàng” hơn…

- Cảm ơn và xin chúc chị có nhiều niềm vui trong cuộc sống và trong ca nhạc!
Phạm Học

Thứ Hai, 10 tháng 6, 2013

Ca sĩ Ngọc Anh: “Thật hạnh phúc khi được hát cho người quê mình nghe...”

Ca sĩ Ngọc Anh: “Thật hạnh phúc khi được hát cho người quê mình nghe...”

Báo Quảng Ninh cập nhật lúc 10:01, Chủ Nhật, 09/06/2013 (GMT+7)
Sở hữu một giọng ca ngọt ngào, đầy cá tính, nhất là với kỹ thuật rung ngân độc đáo, ca sĩ Ngọc Anh luôn gây được ấn tượng với khán giả bằng những ca khúc Pop Ballad nhẹ nhàng...

Trò chuyện với chị trong một lần chị về biểu diễn tại TP Hạ Long, nơi chị sinh ra và lớn lên, tôi tò mò hỏi:

- Dường như khi hát ở quê nhà, cảm xúc của chị đằm hơn, sâu lắng hơn thì phải…?

+ Bạn cảm thấy vậy thật sao? Đã đành là một ca sĩ khi lên sân khấu thì phải hết mình, nhưng đúng là mỗi khi được về với Hạ Long, hát cho người quê mình nghe, nhất là trong các dịp lễ hội, mình thấy xao xuyến hơn, cảm xúc dâng trào hơn... Mình đi diễn rất nhiều nơi rồi, kể cả ở nước ngoài, nhưng lần nào về Quảng Ninh hát, mình cũng có cảm giác gần gũi, thân thương. Mình đã trải qua những lúc khó khăn nhất của cuộc sống, những thăng trầm trên con đường nghệ thuật và chính những người thân, bạn bè ở quê hương Quảng Ninh đã ủng hộ, động viên mình rất nhiều. Vậy nên khi biểu diễn ở Quảng Ninh, mình luôn nghĩ đây là cơ hội để mình bày tỏ sự tri ân mọi người, tri ân quê hương mình…
Ca sĩ Ngọc Anh. Ảnh: P.H
Ca sĩ Ngọc Anh. Ảnh: P.H
- Với cảm xúc về quê hương như vậy, chị có dự định gì không trong tương lai?

+ Theo mình, chuyện cống hiến cho nghệ thuật là cả đời; nhiều khi “nói trước bước không qua”… Nếu có dự định thì cũng phải thực hiện chầm chậm, từ từ, chứ không thể vội vàng trong ngày một ngày hai được. Trong các chương trình, sự kiện văn hoá quan trọng của tỉnh, khi được đề nghị, Ngọc Anh đều cố gắng về biểu diễn hết mình. Ngoài ra, mình cũng đã làm một số việc cho Hạ Long như thực hiện một số liveshow nhỏ chẳng hạn. Và sắp tới có lẽ, mấy anh chị em ca sĩ Quảng Ninh bọn mình sẽ tập trung lại, làm một chương trình gì đó cho Quảng Ninh trong một dịp nào đó. Dự định thì có trong suy nghĩ rồi nhưng nó sẽ diễn ra vào thời điểm nào thì cần phải sắp xếp…

- Là một ca sĩ trưởng thành từ Quảng Ninh nay đã thành danh, nếu hỏi: chị đánh giá về các tài năng âm nhạc trẻ ở Quảng Ninh hiện nay như thế nào, chị sẽ nói gì?

+ Các bạn ca sĩ trẻ ở Quảng Ninh hiện nay cũng có nhiều người rất giỏi, rất có năng khiếu âm nhạc. Tuy nhiên, mấy năm gần đây mình có cảm giác các bạn ấy thiếu đi một chút đam mê, thiếu một chút nhiệt huyết chăng? Và vì thế mặc dù có nhiều tài năng, nhưng ít thấy có ai nổi bật như lớp ca sĩ thế hệ đi trước. Chính vì thế trong tháng 7 này Ngọc Anh sẽ mở Trung tâm đào tạo thanh nhạc tại Hạ Long để phát hiện, tìm kiếm tài năng trẻ cho Quảng Ninh. Ngọc Anh hy vọng sẽ  đóng góp phần công sức nhỏ bé của mình cho sự phát triển của các tài năng ca nhạc ở Vùng mỏ …

- Theo tôi biết, gần đây chị còn “lấn sân” sang cả lĩnh vực điện ảnh, truyền hình... Chị thấy những lĩnh vực ấy nó có phù hợp với mình không?

+ Đối với Ngọc Anh, lĩnh vực nào mình cũng muốn thử sức. Thực ra, cái duyên đưa Ngọc Anh đến với việc đóng phim là do lời mời của đạo diễn Phạm Đông Hồng, cũng là một người con của Quảng Ninh. Và khi đọc kịch bản, Ngọc Anh thấy mình có thể làm được nên đã nhận lời đóng phim… Tất nhiên, cũng còn nhiều bỡ ngỡ, vì diễn không phải sở trường của mình. Nhưng khi đã làm gì thì mình cũng đều cố gắng hết sức, cố gắng để không phụ lòng mong mỏi của khán giả…

- Xin cảm ơn và chúc chị thành công hơn nữa trên con đường âm nhạc!
Phạm Học

Thứ Bảy, 18 tháng 5, 2013

phỏng vấn NSND Tường Vy


“Lời dạy về tình yêu thương của Bác Hồ luôn nhắc nhở tôi trên mỗi bước đường nghệ thuật”...

Báo Quảng Ninh Cập nhật lúc 04:40, Chủ Nhật, 19/05/2013 (GMT+7)
(NSND Tường Vy trò chuyện với PV Báo Quảng Ninh)

Trong cuộc đời làm nghệ thuật của mình, NSND Tường Vy có may mắn nhiều lần được gặp Chủ tịch Hồ Chí Minh. Và mới đây, vào dịp trung tuần tháng 5, trong cuộc trò chuyện thân tình với chúng tôi tại nhà riêng ở Hà Nội, bà tỏ ra rất xúc động khi nhắc đến những kỷ niệm của mình về Bác. Bà bảo: Mỗi khi gặp khó khăn trong cuộc sống, trong công việc v.v.. những kỷ niệm về Người lại giúp tôi có thêm nghị lực để vươn lên...

- Thưa bà, bà có thể cho biết lần đầu tiên được gặp Bác, cảm xúc của bà như thế nào?
NSND Tường Vy
NSND Tường Vy
+ Tôi còn nhớ rất rõ, ấy là vào một ngày tháng 8-1955, khi chúng tôi được chọn vào đội ngũ duyệt binh chuẩn bị cho ngày kỷ niệm Quốc khánh 2-9. Xe Bác bỗng dừng lại ngay trước mặt tôi. Bác khen: “Các cháu tập đều, đẹp lắm. Các cháu có khoẻ không?”. Tất cả chúng tôi đáp lời Bác, rồi đồng thanh chúc Bác mạnh khoẻ. Người mặc chiếc áo kaki màu ghi  giản dị, đầu đội mũ, râu bạc trắng... Lúc đó, trong mắt tôi, Người đẹp như ông tiên vậy. Được gặp Bác, chúng tôi vui sướng vô cùng…

- Tôi cũng được biết bà có may mắn là có nhiều lần được gặp Bác. Vậy sau lần ấy, bà còn được gặp Bác trong những hoàn cảnh như thế nào? Kỷ niệm nào với Bác mà bà còn nhớ mãi?

+ Giờ đây, trí nhớ của tôi cũng kém rồi (NSND Tường Vy đã gần 80 tuổi - TG), nhưng kỷ niệm nào về Bác thì với tôi cũng đều nhớ mãi cả, không bao giờ quên! Cũng là cơ duyên khiến tôi có may mắn được gặp Bác nhiều lần. Ấy là do đoàn Ca Múa quân đội, nơi tôi công tác, thường được chọn để phục vụ mỗi khi tiếp đón các đoàn khách cao cấp tại Phủ Chủ tịch. Mà lúc ấy, tôi lại là một trong những cô bé được Bác rất quan tâm. Còn nhớ, mỗi khi gọi tôi đến hát, Bác đều cười, nói vui: “-Chỉ “hát mộc” thôi nhé!”. Người không cần biểu diễn rầm rộ khoa trương tốn kém, mà luôn tiếp đón các đoàn nước ngoài với tình cảm chân thành, ấm áp. Tôi nhớ có một lần, Bác gọi vào bảo: “Sắp tới Bác tiếp hai chiến sĩ hoà bình Pháp là anh Henri Martin và chị Raymonde Dien. Bé có bài hát Pháp nào không?”. (Bác thường gọi tôi là “bé” một cách đầy trìu mến, gần gũi). Tôi thưa với Bác: “Cháu có thuộc bài “La Normandie”. Người lại bảo: “Thế thì tốt quá, Normandie là quê hương của anh Henri Martin đấy. Tuần sau, bé lên hát nhé”.

Rồi đến một lần Bác gọi tôi vào hát một bài hát dân ca Triều Tiên để đón nhà lãnh đạo Kim Nhật Thành. Người nói đùa đồng chí Kim Nhật Thành: “-Anh nghe có rõ không đấy, hay là tưởng cô bé hát tiếng Việt?”. Lãnh tụ Triều Tiên cười sảng khoái, giơ hai ngón tay cái lên và khen: “-Rất tốt”. Sau lần đó, Bác động viên tôi cố gắng học thêm những bài dân ca nước ngoài nữa. Nghe lời Bác, tôi đã hát được vài chục bài dân ca các nước…

Với chúng tôi, Bác là người cha rất gần gũi. Còn nhớ một lần, chúng tôi đến gặp Bác. Bác hỏi chúng tôi hát được giọng gì. Chị Linh Nhâm đi cùng thưa với Bác là hát được giọng nữ trung; còn tôi thì thưa Bác là hát được giọng nữ cao. Bác bảo: “Bác có một ca sĩ rất hay. Giờ Bác cho các cháu nghe giọng ca nam trầm nhé!”. Thế là Bác đưa chúng tôi ra ao cá, rồi ra hiệu im lặng. Bỗng nhiên dưới ao vang lên tiếng kêu của một… chú ếch! Bác cười, bảo: “Ca sĩ của Bác đó. Đây là con ếch nặng tới 2 cân, do nhân dân Cuba tặng. Chiều nào nó cũng luyện thanh đấy!”. Nói chuyện với Bác, thú vị vô cùng. Trong tâm trí tôi, Bác Hồ chính là một bậc thầy về tâm lý…

- Là thế nào, thưa bà?

+ Hồi đang học Trường Âm nhạc quốc gia Việt Nam, tôi mang bầu cháu đầu lòng. Nhưng do buồn chuyện gia đình và lại đi hát quá nhiều nên chưa đủ tháng thì sinh nên cháu không nuôi được. Bác biết chuyện, Người gọi tôi đến. Người nói nhỏ nhẹ: “Thua keo này ta bày keo khác, cháu ạ!”. Rồi Bác đưa tay kéo mi mắt của tôi ra xem, y như thể bác sĩ khám bệnh. Bác bảo: “Cháu còn thiếu máu nhiều lắm, không được hát nữa. Đến khi khoẻ rồi hãy đi”. Nghe Bác nói, tôi bật khóc. Bác lại phải động viên bằng cách kể chuyện về tuổi thơ của Bác, về cảnh mẹ Bác mất, Bác bế em đi xin sữa, nhưng cuối cùng cũng không nuôi được... Đến tận bây giờ, tôi vẫn còn nhớ những ngón tay Bác ân cần kéo mi mắt tôi. Cả mùi thuốc lá trên ngón tay của người nữa…
NSND Tường Vy (bên trái, hàng trên) chụp ảnh kỷ niệm với Bác Hồ.Ảnh: Tư liệu
NSND Tường Vy (bên trái, hàng trên) chụp ảnh kỷ niệm với Bác Hồ.Ảnh: Tư liệu
Với tôi, Bác gần gũi như một người cha. Có lần, sau khi biểu diễn xong, Bác ân cần hỏi thăm về quê hương, về mẹ, về đời sống... Bác hỏi tôi có về thăm mẹ không, rồi căn dặn phải biết tiết kiệm để dành mỗi tháng một ít tiền, sau này đất nước thống nhất thì còn có tiền mà mua gì về biếu mẹ. Lại một lần khác, Bác gọi tôi đến xem phim. Vừa thấy tôi, Bác khen: “Chà, Tường Vy diện nhỉ?”. Tôi cũng nhìn áo Bác, đùa lại: “Bác cũng... diện!”. Bác cười hiền từ, giải thích đó là cái áo người bạn ở Trung Quốc tặng. Bác dành rất nhiều tình thương yêu cho thanh thiếu nhi. Còn nhớ, một lần, Bác hỏi tôi đi học âm nhạc có giáo trình nào hay không thì nhớ giữ lại sau này dạy cho trẻ. Tình thương, lòng nhân ái đó của Bác đã tác động đến suy nghĩ và hành động của tôi…

- Có phải cũng vì thế mà sau này bà đã mở Trung tâm Nghệ thuật tình thương?

+ Đúng là như vậy. Tôi nhớ, có lần, Bác đã dặn: “-Mỗi người phải làm được một điều gì đó cho nhân dân, cho đất nước”. Luôn đau đáu với lời dạy ấy, một buổi sáng chủ nhật, đang lúc đàn hát tại nhà thì tôi thấy có rất nhiều em ở Làng trẻ SOS ngỏ ý xin được học đàn học hát. Thế là tôi cho chúng thử giọng và thấy nhiều em có năng khiếu. Chỉ trong một thời gian ngắn, lớp học của tôi đã có đến 50 học trò. Sau đó, nhờ nhạc sĩ Văn Cao giúp đỡ, Trung tâm Nghệ thuật Tình thương của tôi đã ra đời. Khi ấy, tôi vừa nghỉ hưu. Thấm thoắt đã 20 năm rồi… Đến giờ, tôi đã mở được 3 trung tâm ở Hà Nội, Đà Nẵng và Quảng Nam quê tôi. Chúng tôi đào tạo miễn phí cho các em bị khuyết tật, có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn. Tôi nghĩ, làm được việc này chắc ở đâu đây, Bác cũng vui lòng về đứa bé đã được Người thương quý, dạy bảo...

- Trong hoạt động của Trung tâm, nhất là với cơ chế thị trường như hiện nay, có gặp nhiều khó khăn lắm không, thưa bà?

+ Có chứ! Để mưu sinh bằng nghệ thuật, với người lành lặn đã khó, với người khuyết tật còn khó hơn nhiều. Với những em bị khiếm thị, nhiều lúc tôi phải dạy hát cho các em bằng cách đưa tay các em đặt tay lên môi, lên má mình để biết lúc hát cần mở miệng thế nào rồi theo đó mà bắt chước. Khó nữa là kiếm tiền trang trải chi phí. Tôi đã phải bán nhiều tài sản quý trong nhà; thậm chí có lần còn phải bán cả… chó nữa! (cười). Sau này, thỉnh thoảng lại đi xin tài trợ từ các nhà hảo tâm nên cũng đỡ. Những lúc khó khăn, tôi thường chắp tay khấn nguyện Bác Hồ phù hộ… Và như một sự kỳ diệu, Trung tâm của tôi cứ thế vượt qua khó khăn tưởng như không thể vượt qua được! Tôi quan niệm, Trung tâm của chúng tôi ra đời và tồn tại bằng tình yêu thương. Ở đâu có tình yêu thương thì ở đấy sẽ có sự bình yên thôi. Cái tâm và cách tổ chức của người quản lý sẽ là điều quyết định trong việc làm này. Tuy nhiên, có một sự thật mà tôi đang rất trăn trở là một số người lành lặn đang lợi dụng các em, lợi dụng uy tín của chúng tôi để thu lợi. Họ cũng tìm được một số em khuyết tật, nói là người của chỗ tôi, đưa vào đàn hát quyên góp từ thiện. Đàn hát biểu diễn thì chưa thấy đâu, chỉ thấy đưa thùng quyên góp ra xin tiền. Tiền đó họ thu, rồi chia cho các em được vài đồng. Tôi cũng xót xa lắm, nhưng chưa thể ngăn chặn hết được tình trạng này…

- Bà đánh giá như thế nào về khả năng của các bạn khuyết tật, mồ côi và trẻ em nghèo trong việc biểu diễn nghệ thuật?

+ Các em ấy đều rất chăm chỉ học tập. Riêng về nghị lực của các em thì tôi rất khâm phục. Một số em có năng khiếu về âm nhạc. Chỉ cần phát hiện và “vun xới” bằng tình thương yêu thì tôi nghĩ thế nào họ cũng thành danh. Các em đều gọi tôi là mẹ một cách ấm áp, yêu thương. Tôi nghĩ, mình thương yêu các em, động viên các em học tập và rèn luyện thì không bao giờ các em phụ công mình. Có 48 em đã được chúng tôi tạo nguồn và trở thành tài năng âm nhạc, như em Hà Chương, Hoàng Mạnh Cường, Đồng Quang Vinh, Hoài Phương, Giáng Son, cặp đôi khiêu vũ thể thao Khánh Thi và Chí Anh. Ở Quảng Ninh thì có em Sơn Lâm…

- Bà vừa nhắc đến Sơn Lâm ở Quảng Ninh, có phải đây là chàng trai tật nguyền với Quỹ từ thiện “Sơn Lâm và những người bạn” đã được rất nhiều người biết đến? Bà có thể chia sẻ đôi điều về chàng trai giàu nghị lực này?

+ Phải đấy! Tôi gặp Sơn Lâm ở Quảng Ngãi trong một hội diễn của Hội chữ thập đỏ. Khi ấy Sơn Lâm nghe tôi hát xong và bảo: “Mẹ ơi, mẹ cho con vào Trung tâm của mẹ đi!”. Tôi gật đầu đồng ý và nghe Sơn Lâm thử giọng. Cậu bé có chất giọng khá tốt, có triển vọng. Ban đầu cậu còn hát như nói, về sau tôi rèn cho rất nhiều trong việc xử lý tác phẩm âm nhạc. Xuất phát từ tình yêu thương và sự đồng điệu về tâm hồn mà hai mẹ con rất quý nhau. Có một thời gian, đi đâu tôi cũng “tha” đứa con Sơn Lâm đi diễn cùng. Nghe nói, sau này Lâm đã thành lập Quỹ từ thiện để mang những món quà đến tận tay những người cần giúp đỡ…

- Đã bao giờ Trung tâm của bà biểu diễn ở Quảng Ninh chưa? Bà thấy khán giả Quảng Ninh đón nhận như thế nào?

+ Chúng tôi cũng đã diễn ở Quảng Ninh một vài lần, nhưng đã lâu lắm rồi. Tôi nhớ có lần diễn ở Cung Văn hoá Lao động Việt - Nhật. Khán giả Quảng Ninh ủng hộ hết sức nhiệt tình. Đời diễn của tôi có được một sự may mắn là đi đến đâu khán giả cũng rất thương mình quý mình. Tôi lấy đó là nguồn động viên để mình bước tiếp…

- À, còn một câu hỏi nữa mà tôi rất muốn được bà chia sẻ! Ấy là thường mỗi khi biểu diễn, bà rất thích mặc quân phục màu xanh… Có phải màu áo “Anh bộ đội Cụ Hồ” gợi cho bà những kỷ niệm đẹp?  

+ Đúng như anh nói, tôi rất thích mặc quân phục khi biểu diễn, nhất là khi hát những bài hát ngợi ca người lính, ngợi ca Tổ quốc và nhân dân. Mà cũng phải thôi, tôi vốn là lính mà. Năm 16 tuổi, sau khi ngoại tôi mất vì mất máu không đưa đi cấp cứu kịp, má tôi xót xa quá nên đã động viên tôi đi học y tá để chữa bệnh cứu người. Thế là tôi đã xin nhập ngũ rồi trở thành y tá tại Viện Quân y 108. Năm 1956, tôi mới chuyển sang Đoàn ca múa Tổng Cục chính trị và bắt đầu được học thanh nhạc. Tôi hay hát về người lính, vừa là do nghề nghiệp, cũng vừa là tình cảm… Ngày tôi còn bé, các chú bộ đội về đóng quân trong nhà ngoại tôi rất đông. Các chú dạy cho tôi hát nhạc của Văn Cao, Đoàn Chuẩn, Phan Huỳnh Điểu v.v.. Từ đấy “Anh bộ đội Cụ Hồ” là “thần tượng” của tôi từ lúc nào không biết. Sau này, tôi lại có một mối tình đẹp với một chiến sĩ bộ đội là… anh phụ trách đội thiếu nhi của chúng tôi. Khi tôi vào bộ đội, anh ấy đi học Hải quân ở bên Trung Quốc. Nhớ anh, tôi đã sáng tác bài “Quê hương anh là biển cả”…

Ngày ấy, cũng như bao công dân khác từ chỗ “mê” hình ảnh “Anh bộ đội Cụ Hồ” mà tôi mong mỏi một lần được gặp Bác. Không ngờ sau này, đời tôi lại có cái hạnh phúc mà ít người có được là gặp Bác nhiều lần, hát cho Bác nghe cũng nhiều…

- Xin cảm ơn NSND Tường Vi về cuộc trò chuyện này! Chúc bà luôn mạnh khoẻ và hạnh phúc!
Phạm Học

Chủ Nhật, 5 tháng 5, 2013

Liveshow ca nhạc của Hồ Quỳnh Hương tại Hạ Long by night


Liveshow ca nhạc của Hồ Quỳnh Hương tại Hạ Long by night

Báo Quảng Ninh Cập nhật lúc 09:21, Thứ Hai, 29/04/2013 (GMT+7)
Tối 28-4, khán giả Quảng Ninh đã có buổi tối thư giãn bằng âm nhạc thú vị trong liveshow ca nhạc của ca sĩ Hồ Quỳnh Hương tại sân khấu Hạ Long by night. Đây là một trong những chương trình hưởng ứng Carnaval Hạ Long 2013 và kỷ niệm 38 năm ngày giải phóng miền Nam thống nhất đất nước (30-4).
Giọng hát của Hồ Quỳnh Hương trở nên truyền cảm hơn khi hát tại quê hương
Giọng hát của Hồ Quỳnh Hương trở nên truyền cảm hơn khi hát tại quê hương
Khán giả đến chật khán phòng để nghe Hồ Quỳnh Hương hát
Khán giả đến chật khán phòng để nghe Hồ Quỳnh Hương hát.
Tại live show này, Hồ Quỳnh Hương đã hát nhiều ca khúc quen thuộc đã làm nên tên tuổi cô ca sĩ đất mỏ, “đóa hoa quỳnh” của vùng than Quảng Ninh. Phong cách biểu diễn bốc lửa, những vũ đạo “náo loạn” sân khấu, giọng hát của Hồ Quỳnh Hương được dịp “cháy hết mình” trong những ca khúc như: “Anh”, “Vũ điệu hoang dã”, v.v. rồi lại trở nên nồng nàn hơn khi hát những bài hát về Hạ Long. Đặc biệt, giọng hát của Hồ Quỳnh Hương còn không kém mùi mẫn khi chọn bài hát “Phút cuối” (một ca khúc nhạc xưa của Lam Phương) để tặng cho những khán giả yêu quý của mình.
Phạm Học

Phỏng vấn NSND Quang Thọ


“Được biểu diễn ở Carnaval Hạ Long vừa là vinh dự, vừa là trách nhiệm của tôi với quê hương...”

Báo Quảng Ninh Cập nhật lúc 05:52, Chủ Nhật, 05/05/2013 (GMT+7)
(NSND Quang Thọ trò chuyện với PV Báo Quảng Ninh)

Từ 7 năm nay, Carnaval Hạ Long đã trở thành một dịp để những người con Quảng Ninh, dù là ở ngay trên mảnh đất quê nhà hay đang sống tại phương xa, thể hiện tình cảm của mình với quê hương. Đặc biệt, với những ca sĩ trưởng thành từ đất mỏ, được hát trong Carnaval Hạ Long là niềm vui của họ. Với Carnaval Hạ Long năm nay cũng không là ngoại lệ khi có tới 9 ca sĩ nổi tiếng, (như NSND Quang Thọ, ca sĩ Hồ Quỳnh Hương, ca sĩ Ngọc Anh v.v..) tham dự. Giọng hát của họ thực sự đã góp phần làm cho chương trình sống động, cuốn hút hơn lên rất nhiều... Điều đặc biệt nhất (cũng có thể nói như vậy), là cả 9 ca sĩ đều tự nguyện “phục vụ vô điều kiện” mà không đòi hỏi bất cứ một khoản thù lao nào...

PV Báo Quảng Ninh đã có cuộc trò chuyện thân mật với NSND Quang Thọ nhân sự kiện này...

- Chào NSND Quang Thọ! Xin ông cho biết cảm xúc của mình khi trở lại Quảng Ninh tham gia Carnaval Hạ Long lần này?
NSND Quang Thọ hát tại lễ khai mạc Carnaval Hạ Long 2013.
NSND Quang Thọ hát tại lễ khai mạc Carnaval Hạ Long 2013.
+ Tôi nghĩ, với tôi, có lẽ không phải là “trở lại” mà là “trở về” thì đúng hơn anh ạ. Về Hạ Long, về Quảng Ninh là tôi về với quê hương mình. Đây là lần thứ hai tôi tham gia biểu diễn nghệ thuật tại lễ hội Carnaval Hạ Long. Năm 2012, tôi là một trong những nghệ sĩ được lãnh đạo tỉnh chính thức mời về dự Carnaval Hạ Long. Còn trước đó, bản thân tôi cũng như một số ca sĩ, nghệ sĩ trưởng thành từ đất mỏ khác cũng muốn đóng góp công sức và tài năng cho Carnaval Hạ Long thành công hơn, nhưng không được mời. Điều này có nguyên nhân là do những năm ấy chương trình Carnaval Hạ Long do các đơn vị tổ chức sự kiện làm, người viết kịch bản tính toán theo ý của họ, nên có thể họ thấy không cần mời anh em chúng tôi chăng? Từ Carnaval Hạ Long năm 2012 trở đi, chương trình được lãnh đạo tỉnh chỉ đạo trực tiếp nên chúng tôi mới có điều kiện được về đây tham gia phục vụ lễ hội, bày tỏ tình cảm với quê hương. Với tôi, cũng như những ca sĩ, nghệ sĩ khác của Quảng Ninh, đây vừa là vinh dự, cũng vừa là trách nhiệm ...

- Không những thế, theo tôi được biết, để ủng hộ chủ trương xã hội hoá của tỉnh, ông và các anh, chị nghệ sĩ, ca sĩ khác còn từ chối, không nhận cát sê khi biểu diễn?

+ Đúng là như vậy. Người ta nói rằng, có đi làm ăn ở đâu thì làm, kiếm ở đâu thì kiếm, nhưng với quê hương thì tiền chưa hẳn là cái quan trọng nhất. Quê hương đã sinh thành, nuôi dưỡng mình, để cho mình có được ngày hôm nay; vậy nên tôi cho rằng, nghệ sĩ đích thực khi trở về quê hương thì họ vừa với danh nghĩa là nghệ sĩ, vừa với danh nghĩa là đứa con… Mà đã là “đứa con”, ai lại đòi tiền công… (cười). Chúng tôi về là để hoà vào dàn đồng ca lớn của lễ hội này. Về để cùng hoà vang khúc hát ngợi ca quê hương mình. Đấy là điều mà tôi nghĩ bất cứ một nghệ sĩ đích thực nào cũng cần phải có. Tất cả các ca sĩ chúng tôi đều không đưa ra bất cứ một điều kiện gì về mức độ thù lao khi biểu diễn. Trong khi đó, anh cũng biết rồi đấy, kinh tế thì khó khăn, cuộc sống của mỗi chúng ta đều khó khăn theo. Trong thời buổi này, ai chẳng muốn thu lợi cho mình. Nhưng đây không phải là một “cuộc làm ăn” mà là chuyện tình cảm…

- Và tình cảm ấy sẽ được thể hiện cụ thể trong Carnaval Hạ Long năm 2013, cũng như trong thời gian tới, như thế nào, thưa ông?

+ Tôi nghĩ tất cả đều muốn biểu hiện tình cảm của mình với Hạ Long. Mỗi người có một cách khác nhau. Là ca sĩ như chúng tôi, tình cảm ấy thể hiện tập trung nhất qua các bài hát ngợi ca quê hương. Chỉ tiếc một điều là chúng tôi không được biểu diễn nhiều do thời gian eo hẹp. Những gì mà chúng tôi thể hiện tại Carnaval Hạ Long lần này mới là phần nào tình cảm mà chúng tôi dành cho quê hương thôi. Điều đó sẽ còn tiếp tục được thể hiện trong tương lai nữa ...

- Carnaval Hạ Long 2013 đã kết thúc! Nhìn lại những gì đã diễn ra, ông có nhận xét gì không?

+ Theo tôi, điều cảm nhận trước hết là khâu tổ chức, lên kế hoạch đã tốt. Các tiết mục biểu diễn khá cô đọng, các ca sĩ đã chọn được những bài hát sở trường của mình… Và từ đó đã phát huy tương đối tốt khả năng cá nhân trong đêm diễn. Tất nhiên, đã là ca sĩ thì không phải lúc nào cũng chỉ hát bài hát ấy mà không phải là bài khác. Hát ở đâu, hát trong thời điểm nào chúng tôi cũng đều rất trân trọng. Thế nhưng, anh cũng thấy đó, ca sĩ ở Quảng Ninh nay đã thành danh khi trở về hát trên quê hương, trước bà con quê mình, vẫn hay hơn hát những nơi khác, thời điểm khác là bởi tình cảm của họ dành cho quê hương sâu nặng hơn… Tất cả còn tuỳ thuộc vào tổng đạo diễn nữa. Để cho mỗi ca sĩ thể hiện những gì tinh tuý nhất trong một thời gian cô đọng nhất cũng cần một sự tính toán kỹ. Như tôi chẳng hạn, không phải vô cớ tôi chọn bài hát trong đêm khai mạc là bài “Quảng Ninh - Đất lành chim đậu” của Lê Đăng Vệ, một nhạc sĩ là bạn cũ của tôi…

- Xin phép được hỏi thêm ông, rằng nhiều người vẫn nói Quảng Ninh là một điểm sáng trong hoạt động âm nhạc của cả nước. Là một ca sĩ đã thành danh từ Vùng mỏ, ông có thể cho biết đánh giá của mình về phong trào ca hát ở Quảng Ninh hiện nay?

+ Quảng Ninh, như cố Thủ tướng Phạm Văn Đồng từng nói, là một nước Việt Nam thu nhỏ. Ở đây có rất nhiều thứ mà thiên nhiên đã ban cho; có rất nhiều điều kiện để phát triển kinh tế, văn hoá - xã hội, trong đó có điều kiện phát triển âm nhạc. Quảng Ninh có một bề dày văn hoá, thể hiện sự đa dạng, sâu sắc về vùng miền. Kể từ thế kỷ trước đến nay, nhiều tài năng nghệ thuật, trong đó có các ca sĩ, đã được sinh ra và phát triển tốt từ Quảng Ninh. Có thể kể ra ở đây như Trần Khánh, Dương Phú, Lê Dung và sau này là những Hồ Quỳnh Hương, Ngọc Anh, Tuấn Anh, Hoàng Thái, Hà Hoài Thu, Hoàng Tùng v.v.. Và một điều quý giá, đáng trân trọng hơn nữa, là người Quảng Ninh luôn biết cách giữ gìn và phát huy truyền thống ấy. Tôi nghĩ là đến tận bây giờ và mai sau cũng sẽ vẫn như vậy, các giọng ca tốt, có triển vọng đều được xây dựng từ nền tảng vững chắc là các phong trào văn hoá - văn nghệ quần chúng, nghiệp dư. Dưới sự quan tâm chỉ đạo của các cấp chính quyền, các đơn vị, doanh nghiệp trong tỉnh thì phong trào văn hoá văn nghệ quần chúng đã được nuôi dưỡng và phát triển rất tốt. Thêm nữa, nhân dân Quảng Ninh cũng rất yêu ca hát, yêu nghệ thuật. Vì yêu, vì say mê nên tự họ sẽ tìm đến và rèn luyện thôi. Cũng vì yêu âm nhạc, yêu ca hát nên tỉnh và các địa phương trong tỉnh đã quan tâm hơn, đầu tư nhiều hơn. Đặc biệt nhất phải kể đến phong trào văn hoá văn nghệ quần chúng trong ngành Than. Đây là ngành kinh tế mũi nhọn của cả nước, thường xuyên quan tâm đầu tư cho các hoạt động văn hoá văn nghệ. Do vậy, nhiều ca sĩ, nhạc sĩ tài năng âm nhạc được phát hiện và bồi dưỡng từ các công ty, xí nghiệp Than nói riêng, ở Quảng Ninh nói chung, âu cũng là điều dễ hiểu…

- Xin cảm ơn NSND Quang Thọ về cuộc trò chuyện này!
Phạm Học thực hiện

Chủ Nhật, 21 tháng 4, 2013

Nghệ sĩ nhiếp ảnh Cấn Đình Loan: “Với tôi, phong cảnh vùng cao là nguồn cảm hứng không bao giờ cạn...”

Nghệ sĩ nhiếp ảnh Cấn Đình Loan: “Với tôi, phong cảnh vùng cao là nguồn cảm hứng không bao giờ cạn...”

Báo Quảng Ninh Cập nhật lúc 05:10, Chủ Nhật, 17/03/2013 (GMT+7)
Cấn Đình Loan vốn là một nhà giáo gắn bó nhiều năm với vùng cao Quảng Ninh. Lúc còn dạy học, ngoài những giờ đứng lớp, anh thường tranh thủ cầm máy ghi lại những khoảnh khắc đẹp trong cuộc sống của đồng bào các dân tộc thiểu số. Từ đó mà thành đam mê...
Nghệ sĩ nhiếp ảnh Cấn Đình Loan
Nghệ sĩ nhiếp ảnh Cấn Đình Loan
Trò chuyện với tôi, anh bảo:
+ Thực ra tôi mê nhiếp ảnh từ nhỏ. Và rồi khi về sống và dạy học ở Tiên Yên, phong cảnh núi rừng, con người vùng cao ở đây khiến tôi rất ấn tượng, muốn ghi lại bằng hình ảnh. Tôi có nhiều những bức ảnh về vùng đất này. Ngoài ra, mỗi khi rảnh rỗi, tôi lại tranh thủ lên những bản làng biên giới, từ Bình Liêu cho đến Móng Cái, để chụp ảnh…
- Có người cho rằng muốn có một bức ảnh “có hồn”, trước hết người nghệ sỹ phải bị đối tượng mình sắp chụp “hút hồn” vào ống kính… Anh nghĩ sao về điều này?
+ Điều đó là chính xác! Tôi không biết những bức ảnh vùng cao của mình có tạo được ấn tượng gì nhiều không với người xem, nhưng chắc chắn nó đều bắt đầu từ cảm xúc tận đáy lòng. Tôi muốn ghi lại tất cả những gì có thể ở vùng cao xa xôi kia, để ca ngợi bản chất và cái đẹp giản dị, hồn nhiên của đồng bào các dân tộc suốt đời gắn bó với nương rẫy, núi rừng. Tôi thương những tiếng khóc của em bé sau cơn bão làm tốc mái nhà; gánh củi nặng đè lên vai bé gái trên con đường đất đỏ; bếp lửa vùi vài củ sắn non. Tôi yêu vẻ đẹp của hoa rừng; những nếp nhà ấm êm chênh vênh trên sườn non; ánh mắt trong sáng và điệu cười xinh của người sơn nữ, hay vẻ phúc hậu của cụ già hạnh phúc bên con cháu v.v.. Tôi thấy trong nhịp điệu lao động hăng say, mỗi buổi hoàng hôn hay mỗi sớm mai dường như đều có cái đẹp rất riêng. Có thể, đó là cái đẹp như hơi thở của núi, của rừng…
- Nhưng cứ chụp mãi về một đề tài vùng cao, liệu có làm cho các tác phẩm trở nên nhàm chán, đơn điệu?
+ Sao lại đơn điệu? Tôi dám chắc suốt cả đời này ta cũng không thể khám phá hết được những tiềm ẩn của con người cuộc sống và thiên nhiên hùng vĩ vùng cao. Càng đi, tôi càng đắm đuối vào nó. Từ khi cầm máy quyết định chọn cho mình sáng tác ảnh vùng cao, ngày nào tôi cũng vào bản. Có khi cả ngày, có khi chỉ mươi phút và mỗi lần như vậy tôi lại thấy có thêm nhiều nét mới đến ngỡ ngàng. Rừng thay lá, hoa thay mùa, suối và đá cuộn theo dòng chảy, những đỉnh núi chân mây, ruộng bậc thang, lễ hội cuộc sống lao động và nét đẹp hoang sơ của người con gái vùng cao v.v.. Nhiều lắm, làm sao chụp hết được…
- Có lần anh nói, chụp ảnh chỉ như một thú chơi, để tặng bạn bè và để lưu giữ hình ảnh quê hương. Thế nhưng, chẳng phải anh đang dùng thương hiệu NSNA để mưu sinh là gì. Điều này có mâu thuẫn không nhỉ?
+ Thực ra chẳng có gì là mâu thuẫn cả! Người nghệ sĩ cũng cần phải mưu sinh chứ. Và còn gì tốt hơn là hãy mưu sinh bằng chính cái nghề mà anh yêu thích. Tôi là một nghệ sĩ nhiếp ảnh nên mở hiệu ảnh Mai Loan để kiếm tiền chẳng phải là chính đáng sao? Nhưng nói thật, tôi cũng không phải là một người giỏi và ham hố kinh doanh lắm đâu. Khi có được khoản tiền vừa đủ cho cuộc sống là tôi tập trung đầu tư nhiều thời gian cho sự đam mê của mình. Và tôi còn nghĩ rằng, ảnh tôi tặng bạn bè cũng là để giới thiệu hình ảnh quê hương. Bằng cách đó tôi biết rằng bạn bè cũng rất yêu quê tôi. Trong tâm niệm, tôi muốn lưu giữ lại mãi cho sau này hình ảnh cuộc sống con người của quê hương hôm nay…
- Nhân kỷ niệm ngày truyền thống ngành nhiếp ảnh, anh có thể chia sẻ những tâm sự, trăn trở của mình về nhiếp ảnh hôm nay?
+ Trăn trở thì nhiều lắm. Chỉ sợ không làm hết được thôi. Cái tôi muốn làm nhất lúc này là ghi lại đầy đủ hình ảnh của quê hương, nhưng chỉ với riêng mình thì không thể kham nổi. Tôi muốn có thêm lực lượng sáng tác trẻ, nhiệt huyết và đam mê. Nhưng anh cũng biết rồi đấy, không dễ gì thoát ra được vòng xoáy của cuộc mưu sinh hàng ngày. Chỉ chơi ảnh nghệ thuật thôi mà sống được thì khó lắm. Nhiếp ảnh dịch vụ và nhiếp ảnh nghệ thuật khác nhau nhiều. Chơi ảnh nghệ thuật thật khó, không dễ gì ai cũng theo được…
- Xin cảm ơn anh đã dành thời gian trò chuyện…
PHẠM HỌC thực hiện

Thứ Hai, 15 tháng 4, 2013

Nhà văn Khuất Quang Thụy: “Văn học Quảng Ninh đang rất có triển vọng”

Nhà văn Khuất Quang Thụy: “Văn học Quảng Ninh đang rất có triển vọng”

Cập nhật lúc 08:50, Chủ Nhật, 14/04/2013 (GMT+7)
Là Uỷ viên BCH Hội Nhà văn Việt Nam, Phó Tổng biên tập Báo Văn nghệ, nhà văn Khuất Quang Thụy luôn bận rộn với công việc quản lý toà soạn. Thế nhưng sức viết của ông vẫn rất khoẻ, ông liên tục cho ra mắt bạn đọc những tiểu thuyết ấn tượng về đề tài chiến tranh như: “Trong cơn gió lốc”, “Lửa và thép”, “Những bức tường lửa”, “Đối chiến” v.v..

Mới đây nhân dịp ông về dự Ngày thơ Quảng Ninh lần thứ 26 tổ chức tại huyện đảo Cô Tô, tôi đã có may mắn được trò chuyện cùng ông...

- Thưa nhà văn Khuất Quang Thụy! Đây là lần thứ mấy ông đến với Cô Tô, cảm xúc của ông như thế nào?

+ Đây là lần đầu tiên tôi đến với Cô Tô. Và còn hạnh phúc hơn, may mắn hơn là tôi đến trong tâm thế của một nhà văn đi tham gia Ngày thơ Quảng Ninh. Trong cảm nhận của tôi, Cô Tô rất đẹp, trù phú. Tôi tin là Cô Tô sẽ có một tương lai xán lạn…

- Ông đánh giá thế nào về Ngày thơ Quảng Ninh lần thứ 26?

+ Rõ ràng như anh đã thấy rồi đấy, Ngày thơ Quảng Ninh lần này đã rất thành công bởi vì nhiều ý nghĩa, như đã nối dài và mở rộng không gian thi ca của Ngày thơ Việt Nam lần 11; tiếp tục chủ đề “Tuổi trẻ với Tổ quốc” mà cụ thể nhất là với biên cương. Và còn đặc biệt ý nghĩa hơn nữa khi được tổ chức ở đảo ngọc Cô Tô, nơi Bác Hồ đã từng đến thăm và cho đặt tượng của mình. Ngày thơ Quảng Ninh có bản sắc rất riêng. Vì thế nó đã quy tụ được một lực lượng đông đảo văn nghệ sĩ sáng tác VHNT trong tỉnh về với Cô Tô...

- Là một nhà văn, lại kiêm cả làm công tác quản lý văn học nghệ thuật, ông đánh giá thế nào về lực lượng sáng tác văn học của Quảng Ninh?   

+ Đội ngũ các nhà văn, nhà thơ Quảng Ninh rất mạnh trong đội hình sáng tác chung của Văn học Việt Nam. Ở đây có những tên tuổi rất lớn, như Nhà văn sáng tác cho công nhân Võ Huy Tâm; sau này là Nhà thơ Trần Nhuận Minh, Nhà văn Lý Biên Cương, Nhà văn Dương Hướng v.v.. Họ không chỉ là những nhà văn lớn của văn học Quảng Ninh mà còn là những nhà văn có tên tuổi trong văn học nước nhà. Lực lượng trẻ của Văn học Quảng Ninh cũng đang phát triển mạnh. Do đó, đội ngũ các nhà văn, nhà thơ Quảng Ninh rồi đây sẽ rất đa dạng. Về đề tài mà họ khai thác, bên cạnh những đề tài quen thuộc là người công nhân, còn những đề tài biên giới hải đảo, biên cương, quá trình xây dựng đô thị hoá của các đô thị ven biển, mở rộng kinh tế du lịch v.v.. Có thể nói chắc chắn rằng, Văn học Quảng Ninh sẽ rất có triển vọng. Tôi tin tưởng vào sự phát triển của các tác giả ấy, nhất là lực lượng trẻ…

- Thường xuyên đọc, biên tập bài của tác giả Quảng Ninh gửi đăng Báo Văn Nghệ, ông thấy các tác phẩm của họ thế nào?  

+ Rất nhiều tác giả Quảng Ninh, nhất là các tác giả thơ, đã đăng tác phẩm trên báo Văn Nghệ. Như anh biết rồi đấy, Báo Văn Nghệ là “cửa sổ chính” của nền Văn học Việt Nam đương đại. Báo Văn Nghệ có độc giả ngày càng rộng và có chọn lọc. Nó đòi hỏi nội dung tư tưởng cũng như chất lượng nghệ thuật rất cao. Tất cả các tác phẩm đã được đăng thì được đông đảo bạn đọc trong cả nước biết đến. Và nó cũng được mặc nhiên thừa nhận một phần nào đó về chất lượng nghệ thuật. Do vậy, chất lượng các tác phẩm của các tác giả Quảng Ninh đăng tải trên Báo Văn Nghệ đều thuộc loại khá, đáng đọc...

- Vậy theo ông, các tác giả Quảng Ninh hôm nay có thể tham gia diễn đàn này như thế nào?  

+ Có nhiều tác giả mong muốn được xuất hiện trên Báo Văn Nghệ. Đấy là một điều đáng được ghi nhận, trân trọng. Đây là diễn đàn luôn chào đón các tác giả ở Quảng Ninh. Và thực tế thì nhiều người đã xuất hiện trên báo Văn Nghệ đó thôi. Có tác giả thơ còn xuất hiện liên tục nữa. Ngoài tờ Văn Nghệ còn có tờ phụ trương Văn Nghệ Trẻ nữa. Nó ưu tiên những vấn đề về giới trẻ, về giáo dục. Nó chỉ khác với tờ Văn Nghệ ở đề tài và đối tượng thôi, chứ về chất lượng thì không hề phân biệt. Đây cũng là diễn đàn để các cây bút trẻ Quảng Ninh có cơ hội thử sức mình…

- Xin hỏi thêm ông một câu: Sau chuyến đi này, ông có dự định sáng tác gì về đề tài biển đảo, mà cụ thể hơn nữa là viết về Cô Tô?  

+ Tôi là nhà văn, thường viết tiểu thuyết. Vừa qua, tôi đã hoàn thành cuốn “Đối chiến”. Viết tiểu thuyết phải đầu tư nhiều thời gian và vốn sống hơn. Riêng đề tài biển đảo, có lẽ trong thời gian tới tôi sẽ đầu tư viết truyện ngắn, hoặc ký…

- Xin cảm ơn ông về cuộc trò chuyện này!
Phạm Học

Chủ Nhật, 7 tháng 4, 2013

Phỏng vấn nhà thơ Trần Nhuận Minh

Thơ tôi là thơ tình “đích thực”

PHẠM HỌC thực hiện | 08/04/2013 05:44 (GMT + 7)
 - Nhà thơ Trần Nhuận Minh sinh năm 1944, quê làng Điền Trì, huyện Nam Sách, tỉnh Hải Dương, từ năm 1962 sống và viết tại khu mỏ Hồng Quảng, sau này là tỉnh Quảng Ninh. Ông nguyên là ủy viên hội đồng thơ Hội Nhà văn Việt Nam, chủ tịch Hội Văn học nghệ thuật tỉnh Quảng Ninh. Ông đã xuất bản 17 tập thơ, 3 tập truyện và 1 tập Đối thoại văn chương chung với nhà văn Canada Nguyễn Đức Tùng. Ông được tặng Giải thưởng Nhà nước về văn học nghệ thuật năm 2007.

* Được biết ông đã có bốn tập thơ dành cho tuổi trẻ như Đấy là tình yêu, Âm điệu một vùng đất, Thành phố bên này sông, Thơ với tuổi thơ và hai tiểu thuyết viết cho thiếu nhi. Khi viết cho giới trẻ, ông muốn nhắn nhủ điều gì?     
- Nhà thơ Trần Nhuận Minh: Tôi không có ý thức viết cho giới trẻ hay không trẻ. Nhưng tôi tin không chỉ mấy tác phẩm anh kể mà toàn bộ tác phẩm của tôi, tôi đều viết cho các bạn trẻ, tức là viết cho một thời của tôi, một phần đời của tôi. Cái lung linh của một thời ấy đã làm nên giá trị của đời tôi bây giờ, của thơ tôi bây giờ. Các bạn trẻ hiện nay đã thoát ra khỏi cuộc chiến tranh, đó là hồng phúc của một dân tộc. Ở thời tôi, chúng ta mới nói đến sự hi sinh xương máu mà chưa nói được bao nhiêu sự hi sinh rất lớn khác, đó là hi sinh toàn bộ cái riêng của mình để nhập cuộc. Hi sinh sự học, hi sinh sự yêu để cầm súng ra trận hoặc vào trận ở các vị trí khác nhau. Trong trường ca Một trăm bước cuối cùng, tôi có viết: “Một thế hệ đã vào đời như thế đấy/ Có thể nói cái gì cũng dở dang/ Chỉ  tuổi thanh xuân là vẹn nguyên / Hiến dâng cho Tổ quốc”. Các bạn có được tuổi thanh xuân vẹn nguyên để học, để yêu, để sống như mình muốn, để dâng cho chính mình. Cái đó ở thời tôi, tôi và nhiều bạn tôi không có. Ngay nhà thơ Trần Đăng Khoa, làm thơ từ tuổi trẻ con, cũng có lần nói rằng: “Tôi không có thời thiếu nhi” vì phải tự nguyện làm ông cụ non. Vậy các bạn trẻ đừng phung phí vào những trò vô bổ, vì thời của các bạn đẹp đẽ và hạnh phúc đến mức thế hệ tôi có nằm mơ cũng không thấy, chỉ đến với các bạn có một lần.
* Bài Thơ tình ngày không em có phải ông viết về mối tình đầu của mình? Mối tình mà nhà thơ Trần Đăng Khoa đã ứng khẩu đùa ông: “Thề không lấy vợ suốt đời / Hôm nay bỗng thấy một trời nhớ nhung”. Ông có kỷ niệm gì khi viết bài thơ ấy?              
- Vâng, đúng thế! Dạo đó, khi đến với người yêu, tôi phải báo cáo với chi đoàn, nói chuyện với nhau phải có người thứ ba cùng nghe. Đêm phải mở toang các cửa, thắp đến hai ngọn đèn to, ngồi cách nhau một cái bàn. Các bạn trẻ bây giờ nghe thế chắc khó tin là thực. Có tội tham ô (ăn cắp) chỉ bị khiển trách, phê bình là nặng rồi, còn “quan hệ nam nữ bất chính”, dù chỉ hai người ngồi “bí mật” với nhau trong đêm,  đã bị kiểm điểm rồi. Không ít trường hợp bị đuổi việc, chưa về đến quê thì thông báo đã về đến quê rồi... Đến nhà thơ Xuân Diệu làm thơ tình, với cái sự “cầm tay” nhau thôi cũng phải theo đúng “quy chuẩn”: “Một tuần công việc tạm xong/ Cầm tay chủ nhật hòa trong phố người”.  Tôi đã bị buộc phải dự những cuộc kiểm điểm thâu đêm suốt sáng một đôi tình nhân, cứ bắt họ phải thuật lại cụ thể cái sự ấy nó đã diễn ra, rồi lại diễn ra làm sao, theo thứ tự thế nào, “khoan đã, để tôi hỏi thêm...” anh nào anh ấy, kể cả cấp trên về dự họp và chỉ đạo cuộc kiểm điểm, mặt mũi cũng cứ sáng quắc, râu ria đều động đậy. Tôi thấy vô cùng xấu hổ mà mặt mũi các quan xí xớn bừng bừng...
Sau này, người yêu tôi đã đi với người khác. Chính anh bạn trai có được người yêu tôi đã vui vẻ tiếp tôi, tiễn tôi ra tận đường ôtô. Sau này, anh là người chồng rất yêu vợ, tôn trọng vợ và luôn có quan hệ rất tốt với tôi. Có lẽ vì thế, mối tình mây nước ấy cứ ám ảnh tôi mãi. Và tôi làm thơ vì sự ám ảnh ấy: “Nước mây, tình tuổi đôi mươi / Mà trôi nổi đến cuối đời, lạ chưa / Mỗi lần qua đoạn đường xưa / Chỉ mong một thoáng bất ngờ thấy em...”.
Thơ tôi không phải là thơ tán gái như số đông thơ tình bây giờ. Bài Thơ tình ngày không em cũng thế thôi. Ruột gan có nỗi niềm gì cứ thế nó trào ra, rất tự nhiên. Trong bài thơ Vào phút ấy thì em nên đến nhé... cũng thế, có đoạn: “Ta đã không nhau tất cả mọi ngày đêm / Vào phút ấy thì em nên có nhé  / Dù bận thế nào, em cũng nên lặng lẽ... / Đi theo anh... chỉ một đoạn đường thôi...”. Tôi đã đọc bài thơ này ở một trường cao đẳng sư phạm, nhiều người đã khóc.    
* Có người nói rằng có một người con gái đã bước vào cuộc đời ông, xuyên suốt trong con đường thơ của ông, hình ảnh nàng hoàn toàn có thật đằng sau những bài thơ tình. Điều này có đúng không, thưa ông? Ông tự cho mình là người viết những bài thơ tình “đích thực”. Tại sao gọi là “đích thực”?
- Đúng thế đấy. Ai cũng có một hai mối tình vắt vai rồi treo trước cửa phòng cưới. Tôi cũng vậy. Và mối tình ngoài tầm tay ấy cứ ám ảnh mình mãi, dù biết nếu lấy nàng chắc gì đã hơn người vợ hay cáu gắt của mình bây giờ. Tôi có câu thơ: “Vợ mình không cáu gắt / Ấy là điều rất hay” là tôi nói ngược lại để khuyên nhủ.
Tôi gọi thơ mình là thơ tình “đích thực” vì tôi không bịa ra nó như ông thầy tôi là nhà thơ Xuân Diệu, cũng không nhằm tán tỉnh, rủ rê ai... Nhà văn Nguyễn Đức Tùng trong Đối thoại văn chương bảo: “Thơ Trần Nhuận Minh là thơ tình đích thực chỉ vì nó hay. Thơ tán gái mà hay thì cũng là thơ tình đích thực”.
* Trần Nhuận Minh lúc viết những bài như “Thơ tình ngày không em” với Trần Nhuận Minh bây giờ có gì khác biệt?
- Không có gì khác. Tôi chỉ có một tình yêu duy nhất và trước sau không thay đổi đối với văn chương. Chỉ riêng tình yêu đối với văn chương thôi, tôi đã phải đối mặt với không ít giông bão, đã khổ lắm rồi...
* Ông đã làm nhiều thơ về mùa xuân. Cả tập Nhà thơ và hoa cỏ sau này ông đưa vào phần Mùa xuân trong tập tuyển Bốn mùa. Ông có điều gì tâm đắc từ đề tài này?
- Tôi luôn nghĩ, không phải viết về cái gì mà là viết như thế nào. Mùa xuân luôn mở ra cho tôi những hi vọng. Có một mùa xuân đã đến cùng với đất trời và có một mùa xuân khác nữa, rộng lớn hơn trong khát vọng của tôi, nghĩa là một bước phát triển mới, với những đột phá của đất nước cho tương lai, lúc nào tôi cũng chờ đợi: Có vẻ như mùa xuân sắp sang / Mưa bay lất phất phía đồi hoang / Cành khô nghe gió chừng thôi lạnh / Lá rụng ngàn thu chửa hết vàng.../ Ong bướm đâu rồi chưa thấy bay / Hoa còn ấp cánh dấu  trong cây / Không gian thơm thoảng mùi hương lạ / Của những mầm non dưới đất dày.../ Có vẻ Xuân rồi, Xuân hãy đến / Để ta chờ mãi, cớ làm sao... / Em đi khăn ấm che ngang mặt / Nào biết em xinh đến thế nào...  Tôi tin là mùa Xuân mong ước ấy sẽ đến, khi đất nước bước lên một tầm cao mới trong sự phát triển của công cuộc hội nhập toàn cầu, thịnh vượng và văn minh. 
* Xin cảm ơn nhà thơ.  
PHẠM HỌC thực hiện